Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó xảy ra sốt gạo
18 | 11 | 2009
Theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, dù giá lúa gạo tăng nhưng khó lòng xảy ra cơn sốt gạo như tháng 4 năm ngoái.

Giá gạo thế giới đang tăng trong khi ở trong nước, bão lũ tàn phá miền Trung trong tháng qua cùng với thông tin dự báo hạn hán ở các tỉnh phía Bắc đã đẩy giá lúa gạo trong nước tăng nhanh kỷ lục trong nửa đầu tháng 11 này. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, dù giá lúa gạo tăng nhưng khó lòng xảy ra cơn sốt gạo như tháng 4 năm ngoái.

Giá lúa gạo tăng từng ngày

Ông Võ Hoàng Chương, một thương nhân mua bán lúa gạo quy mô nhỏ ở huyện lúa Đông Hòa, Phú Yên, nơi bị thiệt hại nặng bởi cơn bão số 11 vừa qua, cho biết đầu tháng 11 giá lúa thường loại khô trên địa bàn chỉ 4.300 đồng/kg nhưng tới hôm nay, 17-11 đã lên 4.750 đồng.

“Do báo đài thông tin giá lúa gạo thế giới tăng, xuất khẩu gạo đang thuận lợi nên nhiều thương nhân tích trữ lúa gạo, găm hàng không bán ra, chờ giá lên”, ông Chương nói với TBKTSG Online qua điện thoại.

Ở vựa lúa ĐBSCL, ngược với một vài tháng trước lúa đứng giá hay giảm nhẹ, thì từ đầu tháng 11 tới nay giá lúa liên tục tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa đang tăng mạnh và đứng ở mức cao. Hiện tại giá lúa bình quân khoảng 4.800-5.200 đồng/kg, tức tăng hơn 1.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 10. Không chỉ tăng giá mà theo hiệp hội thì các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu còn không mua được lúa gạo vì lúa hàng hóa không còn nhiều.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 6.300-6.400 đồng/kg nhưng với các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm có giá hơn 11.000 đồng/kg.

Tại thị trường TPHCM, giá gạo thường (gạo hạt dài dành cho xuất khẩu) trong vòng 1 tuần qua tăng thêm 500-1.000 đồng/kg, cá biệt có loại tăng 1.500 đồng/kg; trong khi các loại gạo tốt, có tên tuổi gần như không tăng. Theo các chủ vựa gạo, giá gạo thường dành cho xuất khẩu tăng là do doanh nghiệp mua gom hàng để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Thông thường tại TPHCM, gạo dành cho xuất khẩu thường có giá thấp so với gạo tiêu dùng nội địa dành cho người có thu nhập trung bình trở lên. Thậm chí năm ngoái khi xảy ra sốt gạo, các nhà xuất khẩu tung gạo ngon nhất của họ là loại hạt dài 5% tấm nhưng người tiêu dùng vẫn chê vì không thơm dẻo.

Liệu có sốt gạo?

Hàng loạt hợp đồng thương mại có khối lượng xuất khẩu lớn hàng trăm ngàn tấn, cùng với thông tin Vinafood 2 trúng thầu 150.000 tấn gạo với giá (C&F) 480 đô la Mỹ/tấn (giao tháng 1-2010), rồi Ấn Độ công bố mua thêm 3 triệu tấn gạo… đã góp phần đẩy giá gạo trong nước lên cao.

Do thiên tai nên Bộ Nông nghiệp Philippines công bố trong năm 2010, có khả năng nước này mua 2 triệu tấn gạo và đầu tháng tới, họ bắt đầu mở thầu mua 600.000 tấn gạo. Giới kinh doanh gạo ai cũng biết chỉ có Việt Nam và Thái Lan là hai nhà cung cấp gạo có khả năng trúng thầu cao nhất nhưng đồng thời giá gạo trúng thầu có thể được đẩy lên hơn 500 đô la Mỹ/tấn, xem như làm cơ sở cho giá cả giao dịch thương mại gạo trên thị trường thế giới.

Lâu nay, các nhà xuất khẩu gạo trên thế giới thường lấy giá đấu thầu bán gạo khối lượng lớn cho các quốc gia chuyên nhập khẩu gạo như Philippines làm nền tảng cho giá giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo cho năm 2009, gối đầu sang năm 2010 và đã giao được 5,5 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu của cả nước năm nay sẽ đạt mức 6,2 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Hiện lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc hội viên của VFA là khoảng 1,7-1,8 triệu tấn, các doanh nghiệp ngoài VFA khoảng 0,7 triệu tấn được ông Phong cho là thừa sức giao cho khách hàng hơn 1,2 triệu tấn gạo theo các hợp đồng đã ký.

“Nếu cân đối nhu cầu giao gạo và lượng gạo đang tồn kho thì chúng ta còn ít nhất 800.000 tấn gạo để dự phòng khi cần thiết”, Phó chủ tịch VFA Nguyễn Thọ Trí tính toán.

Cũng theo ông Trí, lúa hè thu hiện không còn lúa hàng hóa nhưng nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa vụ 3 (vụ thu đông) ước chừng 1 triệu tấn gạo hàng hóa. Hay nói cách khác, dù hợp đồng xuất khẩu năm nay có tăng mạnh nhưng sản lượng gạo trong nước không chỉ đủ, mà còn thừa dành cho gối đầu xuất khẩu quý 1 năm tới.

Tuy nhiên, để tránh nguy cơ xảy ra một cơn sốt gạo ảo như hồi tháng 4 năm ngoái, đầu tháng 11, ông Trí cho biết VFA có công văn gửi các tỉnh đề nghị hợp tác với VFA để có phương án đối phó với khả năng sẽ xuất hiện những tin đồn thất thiệt về việc thiếu gạo, dễ gây nên một cơn sốt gạo mới trong nước.

Từ sau cơn sốt gạo hồi năm ngoái, các doanh nghiệp hội viên VFA đã chú trọng nhiều hơn tới việc xây dựng hệ thống phân phối ở thị trường trong nước và sẵn sàng tung gạo ra bán khi cần thiết.

Dù khó lòng xảy ra cơn sốt gạo như năm ngoái nhưng theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực, người tiêu dùng trong nước phải chấp nhận mua gạo giá cao trong thời gian tới, bởi không thể giá gạo thế giới đang ở mức cao nhưng giá trong nước thì thấp như cách nay vài tháng.



Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường