Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giúp vốn cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm từ Trung Quốc
22 | 11 | 2009
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế đầu tiên tung ra các gói kích cầu trị giá 586 tỷ USD để đối phó với khủng hoảng tài chính và đã áp dụng một số giải pháp hỗ trợ DNVVN tương đối thành công...

Bên lề Hội thảo “ Tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” (DNVVN) do Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Trung Quốc phối hợp tổ chức ngày 18/11, bà Địch Na - Phó Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bộ Tài chính, Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề bảo lãnh và cấp vốn cho DN mà Trung Quốc đã thực hiện rất thành công.

 
 Bà Địch Na - Phó Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tài chính, Trung Quốc - Ảnh Chinhphu.vn

PV: Xin bà cho biết Chính phủ Trung Quốc áp dụng những giải pháp cơ bản nào trong việc hỗ trợ vốn cho DNVVN?

Bà Địch Na: Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách nhằm tăng quy mô cũng như tổng số tiền vốn cho các DNVVN. Một trong những giải pháp được chú trọng áp dụng là xây dựng hệ thống tổ chức tài chính về bảo lãnh trên toàn quốc. Hiện nay, Trung Quốc có 4.347 tổ chức tài chính đứng ra bảo lãnh cho DNVVN vay vốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng thành lập quỹ tiền tệ dành riêng cho DNVVN. Năm 2008 số tiền là 1 tỷ NDT, năm nay con số này đã lên tới 2,5 tỷ NDT. Ngoài ra, Chính phủ cũng có những giải thưởng cho những DN đã có những giải pháp "thoát hiểm" cũng như cải cách quản trị, quản lý, huy động vốn trong thời kỳ khủng hoảng. Đặc biệt, đối với DNVVN có kết quả sản xuất- kinh doanh tốt, nhà nước có thể giảm hoặc miễn chi phí bảo lãnh về vốn.

PV:  Thưa bà, quỹ bảo lãnh cho DNVVN hoạt động theo cơ chế nào?

Bà Địch Na: Hiện nay, Trung Quốc có 4.347 tổ chức tài chính đứng ra bảo lãnh cho DNVVN với nguồn vốn chủ yếu là từ ngân sách nhà nước và chỉ được rót 1 lần. Ngoài ra, cũng có một số tổ chức tài chính trong số này huy động vốn từ việc thực hiện xã hội hóa. Chúng tôi đã chia các tổ chức tài chính này ra 3 loại hình: Công ty 100% vốn nhà nước, hiệp hội và công ty thương mại.

Trong 3 năm đầu tiên thành lập, Chính phủ sẽ miễn thuế thu nhập cho tất cả các tổ chức tài chính và  khi thực hiện, đến năm thứ 8, họ vẫn được hoàn toàn miễn thuế. Hiện nay, các DNVVN khó khăn về vốn có thể vay ở các tổ chức này số vốn gấp 3 - 5 lần tài sản của họ..

Để tăng thêm nguồn vốn cho các tổ chức tài chính cũng như bù đắp thêm nguồn tiền khắc phục rủi ro, chúng tôi có trích phần trăm trong thuế DN để các tổ chức này lập quỹ đối phó rủi ro.

Mô hình này đã được xây dựng từ tháng 6/1999. Như vậy, đến nay, các tổ chức tài chính thực hiện bảo lãnh cho DNVVN đã hoạt động được 10 năm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề ra nhiều quy định để giảm chi phí huy vộng vốn, sản xuất kinh doanh… cho DN.

PV: Bà có thể cho biết hiệu quả của đồng vốn này?

Cũng giống như Việt Nam, khi DNVVN vay vốn thì ngân hàng sẽ yêu cầu thế chấp và bảo lãnh. Trong khi đó, phần lớn các DNVVN không thể có tài sản lớn để thế chấp và bản thân các ngân hàng cũng không muốn đứng ra bảo lãnh DNVVN. Vì thế, để cấp vốn cho DN thì tiền vốn của các tổ chức tài chính chủ yếu được lấy từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay, phần lớn các DNVVN của Trung Quốc đều được tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính. Nhờ đó, hoạt động của các DNVVN khởi sắc và phát triển. Hiện số tiền vay của DNVVN lên tới 1,75 nghìn tỷ NDT.

Hiện đã có 31% DNVVN đã được đưa vào danh sách tín dụng ngân hàng và đã có 1/10 trong tổng số các DNVVN này được tiếp xúc với các nguồn vốn vay là Ngân hàng Trung Quốc do đã có những bước phát triển vũng chắc.

Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng 20 tỷ USD trong gói kích cầu để điều chỉnh hoàn thuế DN, điều chỉnh thuế suất giá trị gia tăng. Với những chính sách và biện pháp tích cực như vậy, các DNVVN của Trung Quốc cũng đã giải quyết được những khó khăn trước mắt.

Xin trân trọng cảm ơn bà./.



(Theo Giang Oanh- Báo điện tử Chính phủ)
Báo cáo phân tích thị trường