Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Miền Trung, Nhà máy đường “đói” mía
30 | 11 | 2009
Hai cơn bão số 9 và số 11 chà qua xát lại vùng nguyên liệu mía ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum… khiến người dân, doanh nghiệp đều bị thiệt hại nặng nề. Vụ ép mía năm nay đang là cơn “ác mộng” với các nhà máy đường Nam Trung bộ. Hơn 50% diện tích mía phần bị bão quật ngã, phần bị lũ ngâm, số cây chết, số oặt ẹo không kể xiết!

Nông dân khó, nhà máy lao đao

Lặn lội trong ruộng mía bị ngã đổ, chị Nguyễn Thị Lành, ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: “Vay tiền của nhà máy (NM) đầu tư cho cây mía, trông mong cây mía đạt sản lượng, chữ đường cao, bán đạt giá 500.000 đồng/tấn (10 chữ đường) để hoàn trả vốn cho NM, vừa có lãi để xoay xở chuyện gia đình. Bây giờ mía hư hết thế này thì lấy đâu trả nợ. Mong sao NM xem xét cho giãn nợ, đầu tư tiếp để chúng tôi tiếp tục sản xuất”.

Ông Nguyễn Phương ở thôn Hòa Trung, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn, Bình Định) thì nghẹn ngào: “Vụ này, gia đình tôi trồng 8 sào mía, chăm sóc suốt 9 tháng trời, mía đang phát triển xanh tốt thì bão số 9 thổi mạnh khiến ngọn “cháy” chỏng chơ. Số mía bị gãy ngọn kể như đã bỏ, mọi hy vọng chỉ còn trông vào số cây đứng sẽ gỡ lại ít vốn để trả nợ tiền đầu tư của NM. Nào ngờ bão số 11 tiếp tục tràn qua, gãy đọt toàn bộ số mía còn lại”. Xuôi về huyện Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên, nơi đứng chân của NM đường Đồng Xuân, cũng là “vựa” mía của tỉnh này, những ngấn nước còn hằn in trên tường nhà, màu bùn tạo thành lớp trên những thây cây lớn nhỏ, không còn chút gì là màu xanh của những thửa mía đang chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch.

Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Bình Định cho biết, hầu hết vùng nguyên liệu của công ty, cả trên địa bàn Bình Định lẫn vùng nguyên liệu tại tỉnh Gia Lai, đều bị ảnh hưởng do bão số 9 và số 11. Tính đến nay đã có đến gần 40% ha mía bị thiệt hại, sản lượng bị ảnh hưởng lên đến 83.709 tấn. Theo kế hoạch, năm nay các NM đường ở Phú Yên sẽ ép 160.000 tấn mía, cho ra 16.000 tấn đường. Tuy nhiên, dù công suất các NM đã được nâng lên, chờ sẵn, thì cũng đã bị bão lũ nhấn chìm. “Mất 30%, nghĩa là mất đi 40.000 tấn mía, sản lượng đường giảm xuống chỉ còn 12.000 tấn. Hệ quả tất yếu là các NM sẽ hụt mía nguyên liệu trầm trọng từ 2 - 3 tháng” – ông Lê Tấn Đàm, Trưởng phòng nguyên liệu NM đường Tuy Hòa cho biết.

Công ty CP Đường Quảng Ngãi cũng có báo cáo: Số diện tích mía bị bão gây hại của NM đường Quảng Phú và NM đường Phổ Phong là 4.209 ha, trong đó có 2.563 ha bị thiệt hại nặng tập trung ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Hầu hết các vùng mía ở Bình Sơn không thể phát triển được nữa và mất năng suất nghiêm trọng. Trong khi các NM đường khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn ở tình trạng “đói” mía nguyên liệu, NM của Công ty CP Đường Quảng Ngãi hàng năm chỉ chạy được khoảng 30% – 40% công suất, NM đường Kon Tum cũng thiếu mía, còn tại khu vực Gia Lai khi bước vào vụ ép luôn xảy ra tranh giành mua mía giữa các NM đường. Bão số 9, số 11 đã gây thiệt hại hàng trăm ngàn tấn mía nguyên liệu sẽ đẩy tình trạng khan hiếm nguyên liệu trong niên vụ tới lên đến đỉnh điểm. Thậm chí kế hoạch của các NM đường có thể bị “phá sản”.

Diện tích mía của Quảng Ngãi năm 2007 còn 7.000ha thì sang vụ mía này chỉ còn 5.000ha, bình quân mỗi năm giảm 1.000ha. Diện tích mía tụt dài, năng suất mía vẫn giậm chân tại chỗ 45 - 50 tấn/ha, chữ đường bình quân 10 chữ như 30 năm trước, nghĩa là từ diện tích mía, năng suất và chất lượng đều không tăng mà ngày càng giảm xuống.

1.001 giải pháp!

Nỗi lo thiếu nguyên liệu đã khiến các doanh nghiệp mía đường tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phải cải tiến nhiều biện pháp để nâng cao năng suất mía, mở rộng vùng nguyên liệu. Mặc dù có vùng nguyên liệu mía khá lớn, trên 20.000ha, nhưng năng suất mía trung bình của Phú Yên luôn dưới 50 tấn/ha. “Để khôi phục lại vùng nguyên liệu, vụ mía 2010 - 2011, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa sẽ đầu tư trồng mới cây mía là 15 triệu đồng/ha, chăm sóc mía gốc 8 triệu đồng/ha, hỗ trợ 1 ha mía là 1 tấn phân vi sinh… Giá mua mía tại ruộng sẽ được nâng lên 490.000 đồng/tấn, giá mua tại bàn cân là 550.000 - 650.000 đồng/tấn, tùy theo cự ly vận chuyển” - ông Lê Tấn Đàm, Trưởng phòng nguyên liệu NM đường Tuy Hòa, cho biết.

Trong khi đó, ông Phan Lâm Tường, Phó TGĐ Công ty CP Đường Bình Định hy vọng: “Nhiều giống mía mới sẽ được BISUCO trồng khảo nghiệm tại các vùng nguyên liệu ở Bình Định như R579, R570, K88-65, K88-92, giống mía Mexico… có năng suất rất cao, có thể đạt 120 - 150 tấn/ha. Nếu thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng chuyển giao cho bà con nông dân, hy vọng kéo bà con quay trở lại với cây mía sau những thiệt hại do bão lũ gây ra”.

Trong niên vụ 2008 - 2009, tổng diện tích mía theo mô hình dồn điền, đổi thửa vùng mía Quảng Ngãi là 584 ha và Công ty Đường Quảng Ngãi đã đầu tư trên 36 tỷ đồng (trung bình trên 7 triệu đồng/ha) để phát triển vùng mía, đó là chưa kể hàng tỷ đồng công ty đầu tư để xây dựng giao thông, thủy lợi vào các vùng mía… Tuy nhiên, diện tích mía vẫn trên đà sụt giảm…! Chủ trương phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu từ các NM đường đã có, tuy nhiên nan giải hiện nay là cả NM và người nông dân đều cần vốn để tái đầu tư sau bão lũ.

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nói: “Để chia sẻ với nông dân và các doanh nghiệp, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ người nông dân trồng mía. Kiến nghị các ngân hàng xem xét giãn nợ cũng như miễn thuế để giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp mía đường…



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường