Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp cần một cuộc đổi mới nữa!
07 | 12 | 2009
Nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, đã gắn liền với xã hội VN. Nói đến nông nghiệp là nói đến miếng cơm manh áo, nỗi niềm buồn vui của hơn 70% người dân. Bây giờ VN đã là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhưng đời sống nông dân lại chưa tăng trưởng tương xứng với giọt mồ hôi mà họ đổ ra.

Trao đổi về vấn đề này, GS-TS BÙI CHÍ BỬU, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nói:

Phải khẳng định nông dân VN rất giỏi, siêng năng, sáng tạo. Tôi đánh giá cao tinh thần vượt khó của nông dân mình. Chính tinh thần này cùng với sự đổi mới chính sách đã làm một cuộc cách mạng ngoạn mục đưa VN từ một nước thiếu lương thực trầm trọng đến dư thừa gạo để xuất khẩu.

* Tuy làm ra nhiều lúa gạo nhưng đa số nông dân VN vẫn nghèo. Họ làm nông nghiệp cũng bấp bênh, may rủi như đánh bạc trên đất. Có thể mùa này họ được giá nhưng mùa sau lại mất.

- Đó là một thực tế bức xúc đáng quan tâm, liên quan đến số đông người dân trong khu vực nông nghiệp. Từ năm 2000 đến nay, sản lượng lúa gạo VN tăng trung bình 700.000 tấn mỗi năm. Còn từ đầu năm 1990-2000 đã tăng mỗi năm 1 triệu tấn. Đó là một tốc độ rất nhanh, nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập của người nông dân lại quá thấp. Thu nhập của người nông dân chưa bằng 1/2 mặt bằng thu nhập chung của cả nước.

* Gần đây, trách nhiệm của khâu kinh doanh lúa gạo đang được mổ xẻ gay gắt. Nguyên nhân có phải nằm ở đây?

- Đó là một nguyên nhân quan trọng. Nông dân hiện nay muốn bán được hạt lúa của mình phải qua “cò”, rồi đến thương lái nhỏ, thương lái lớn... Giá trị hạt gạo phải qua nhiều tầng nấc nên lợi nhuận thực đến tay nông dân không còn bao nhiêu.

Chúng ta cần phải thay đổi cả chiến lược kinh doanh lúa gạo, chứ không thể chỉ là những biện pháp như hiện nay. Đó là chiến lược kinh doanh dài hạn từ hạt lúa, chứ không chỉ ngắn hạn là kinh doanh hạt gạo. Kinh doanh dài hạn từ hạt lúa sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Một là giá cả nông dân bán ra sẽ cao hơn.

Hai là sự bảo đảm trọn gói của doanh nghiệp sẽ làm nông dân đỡ khổ. Như trường hợp một doanh nghiệp Nhật đầu tư trọn gói 400ha lúa ở An Giang đã đem lại lợi nhuận rất cao cho nông dân so với kiểu canh tác, buôn bán lúa gạo truyền thống bấy lâu ở đây. Họ chủ động đưa giống tốt cho nông dân canh tác theo quy trình nghiêm ngặt và bảo đảm giá cả thỏa thuận có lợi ngay từ đầu cho nông dân yên tâm. Năng suất lúa của họ đạt 6 tấn/ha, nhưng giá thu mua cao gấp ba lần so với bình thường.

* Theo ông, doanh nghiệp VN có thể thực hiện được chiến lược bảo đảm cả lợi ích của họ lẫn nông dân như trường hợp trên?

- Tôi nghĩ rằng phần quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm nhà nước. Nên nhớ cũng chính những chính sách sai lầm đã làm cho chúng ta có thời kỳ trì trệ, đói kém. Rồi cũng chính những chính sách đúng đắn đã đưa VN thành cường quốc xuất khẩu gạo.

* Nhiều ý kiến cho rằng các chính sách nông nghiệp hiện nay bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Chẳng hạn hiện trạng nông hộ mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún không còn phù hợp xu hướng công nghiệp hóa nông nghiệp. Có phải đã đến lúc thực hiện một cuộc đổi mới tiếp tục trong lĩnh vực nông nghiệp?

- Chắc chắn là vậy. Trọng tâm số 1 là phải tổ chức lại sản xuất, giải quyết các chính sách đất đai để tiến lên sản xuất quy mô lớn đem lại lợi nhuận cao hơn và hạ giá thành. Theo tôi, đây là vấn đề sinh tử cần phải thực hiện.

* Giá trị thị trường lúa gạo thế giới hiện nay vẫn chỉ loanh quanh ở khoảng 9 tỉ USD. Dự báo sẽ tăng rất chậm. Nếu chúng ta cứ tập trung đổi mới chính sách tăng sản lượng, nâng giá trị thương mại lúa gạo thì có thể giải quyết căn cơ vấn đề thu nhập của người nông dân hiện nay?

- Những sự đổi mới trong khu vực tam nông sắp tới sẽ phải giải quyết vấn đề quan trọng này. Việc sản xuất lúa gạo tiêu tốn nhiều tài nguyên đất, sử dụng rất nhiều lao động, nhưng giá trị thị trường lại thấp hơn rất nhiều sản phẩm khác. Hơn nữa, sản lượng nông nghiệp VN cũng không thể cứ đẩy lên thái quá dẫn đến tăng vụ, tăng sâu bệnh, chai kiệt đất đai. Hiện nay, tiềm năng đất nông nghiệp VN đã được sử dụng tối đa. Trong khi các nước khác đang có xu hướng đầu tư để nâng cao giá trị hạt gạo chứ không chỉ tăng sản lượng.

Sự đổi mới phải chú trọng vào các ngành nghề sau sản xuất lúa gạo và phi nông nghiệp để nâng cao giá trị hạt gạo, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu nhập cho nông dân. Nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản đã làm rất tốt điều này.

Chỉ mỗi hạt gạo nhưng họ đã làm ra được nhiều sản phẩm khác với giá trị thương mại cao hơn là bán gạo thô. Lãnh thổ Đài Loan có đất đai nông nghiệp manh mún như VN nhưng mô hình hợp tác xã hiệu quả của họ rất đáng để chúng ta nghiên cứu. Giá trị 1ha đất của họ cho ra 18.000 USD mỗi năm, trong khi của VN chỉ khoảng 1.300 USD. Nhờ vậy mà mức sống của nông dân họ cao hơn nông dân VN rất nhiều.

* Thưa ông, có mất nhiều thời gian để chúng ta thực hiện thành công những thay đổi chiến lược này?

- Đài Loan chỉ mất có năm năm để thành công.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường