Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam: Tiếp tục trúng thầu 300 ngàn tấn gạo tại Philippines
09 | 12 | 2009
Đây là lần thứ 3 liên tiếp Việt Nam trúng được những gói thầu lớn cung cấp gạo cho Philippines. Tổng lượng gạo trúng thầu trong đợt là 750.000 tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Việt Nam lại vừa trúng thầu thêm 300.000 tấn gạo (loại 25% tấm) cung cấp cho Philippines.

Lượng gạo này trong gói thầu được chính phủ  Philippines mở thầu vào ngày 8/12. Mức giá trúng thầu lần này là 650 USD/tấn (CF-FO – giao hàng tại cảng Philippines), thời gian giao từ tháng 2 đến tháng 5/2010.

300.000 tấn gạo trúng thấu đợt này cũng sẽ được chia đều cho các doanh nghiệp thành viên thuộc VFA. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Việt Nam trúng được những gói thầu lớn cung cấp gạo cho Philippines. Tổng lượng gạo trúng thầu trong đợt là 750.000 tấn.

Theo nhận định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, 2009 là năm thành công cho ngành lúa gạo của Việt Nam cả với thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, ông Phong cho rằng, thời gian tới, giá gạo xuất khẩu có khả năng sẽ tăng cao nhưng không đến mức như đầu năm 2008.

Đến hết tháng 11, cả nước đã xuất được hơn 5,6 triệu tấn gạo và số lượng hợp đồng còn lại giao trong tháng 12/2009 là hơn 1,1 triệu tấn. Trong đó, gạo cao cấp chiếm 39,9%, còn lại gạo cấp trung bình và thấp. Giá xuất bình quân 404 USD/tấn.

Theo VFA, chắc chắn hết năm 2009, Việt Nam xuất được 6 triệu tấn gạo và lượng lúa gạo sản xuất trong năm cũng như tồn kho năm 2008 chuyển sang đã được mua hết.Từ tháng 9/2009, sau khi Ấn Độ thông báo mất mùa nên không thể xuất 2 triệu tấn gạo, một số nước châu Á bị thiên tai phải tăng nhập khẩu gạo, giá lúa gạo đã tăng cao.

Nếu như giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, giá lúa xuất khẩu có lúc giảm tới 365 USD/tấn gạo 5% tấm, thì nay thị trường thế giới đã hình thành một mặt bằng giá mới rất cao so với 9 tháng đầu năm. Hiện giá lúa đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu ở ĐBSCL đã đến mức 5.000 đồng/kg.



Theo VNN
Báo cáo phân tích thị trường