Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chủ trang trại khổ vì..vay vốn
15 | 12 | 2009
Vốn luôn là nỗi đau đầu của những người kinh doanh. Nhưng với chủ các trang trại, vốn còn là sự khổ sở... bởi thủ tục vay vốn rườm rà và thiếu Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất khiến cánh cửa ngân hàng vốn đã hẹp còn gần như đóng lại đối với họ.

Hiện nay nhu cầu về vốn của các chủ trang trại là rất lớn.  Tuy nhiên, vay vốn với các chủ HTX vẫn là một vấn đề nan giải.

Phải có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng để thế chấp, chủ trang trại mới có cơ hội được vay vốn ở ngân hàng. Song cái khó lại bắt nguồn từ nhận thức và cách làm của những người nông dân, bởi việc phát triển trang trại mang nhiều tính tự phát, thiếu hẳn quy hoạch chi tiết. Cụ thể để có một khu đất tập trung làm trang trại, các hộ tự thỏa thuận dồn điền đổi thửa, cam kết thể hiện trên giấy viết tay, thậm chí là bằng miệng. Khi xét cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại, nhiều khoảnh ruộng đã thành trại nhưng vẫn nằm trong phần diện tích được cấp cho một chủ khác, mà chủ ấy cũng đã đem "sổ đỏ"... thế chấp ở ngân hàng. Bản thân mâu thuẫn giữa các hộ dân có đất chuyển đổi cho nhau hiện cũng không thể giải quyết được, chưa nói đến các yếu tố pháp lý cần sự can thiệp của chính quyền cơ sở. Ngoài ra, nhiều tài sản trên đất trang trại còn chưa được xác định như đất thổ cư, nhà ở nên luôn bị đánh giá thấp dưới giá trị thực tế của nó, do vậy càng gây khó cho các chủ trang trại.

Không ít trang trại vướng mắc vào việc vi phạm những quy định về môi trường, về quyền và mục đích sử dụng đất nên khó có thể vay được vốn. Bên cạnh đó, trong thủ tục vay vốn, phía ngân hàng đòi hỏi người nông dân phải có phương án sản xuất.

Lãnh đạo nhiều địa phương cũng đã lên tiếng phản ánh với chính quyền thành phố về thủ tục vay vốn phát triển trang trại còn rườm rà, chương trình mua máy cơ khí nông nghiệp chưa thuận lợi cho nông dân, tiến độ cấp sổ đỏ còn chậm, quy trình lập các dự án phát triển nông nghiệp quá phức tạp trong khi trình độ nông dân, ngư dân có hạn, không ít trường hợp phải thuê người lập dự án trong khi chi phí của nông dân hạn hẹp... Thế nhưng, đã nhiều năm, tình trạng này vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo đánh giá của ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, về quản lý Nhà nước đối với phát triển trang trại, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế trang trại, cũng như chưa có định hướng cụ thể để các trang trại phát triển. Tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thiếu thống nhất trong việc thực hiện xác định kinh tế trang trại theo tiêu chí quy định hiện hành. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất trang trại thuê của UBND các xã, hợp tác xã rất khó khăn nên các trang trại chưa yên tâm đầu tư sản xuất. Việc hỗ trợ cho trang trại vay vốn còn nhiều thủ tục phức tạp…

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Đắc Hải, chủ trang trại tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho biết, trang trại của anh sau nhiều lần mở rộng quy mô, đến nay có tổng diện tích lên đến 60 ha. Nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất của trang trại khoảng vài chục tỷ đồng, tuy nhiên hiện mới chỉ vay được gần 2 tỷ đồng, do đó gặp rất khó khăn trong sản xuất. Theo ông Hải, để các trang trại phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cần phải đầu tư thâm canh, mà muốn vậy số tiền đầu tư cho 1 ha không nhỏ, bình quân khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó, hơn 20 năm nay, diện tích đất trang trại chỉ được ký hợp đồng 5 năm 1 lần. Không chỉ có trang trại của gia đình ông Hải, mà gần 60 trang trại trên địa bàn xã Chuyên Mỹ cũng chỉ được ký hợp đồng thuê đất với thời gian tối đa là 5 năm, nên tâm lý của các chủ trang trại không yên tâm đầu tư vào sản xuất.

Còn theo ông Đặng Đình Tiên, chủ trang trại tại xã Đại Yên (Chương Mỹ), khó khăn lớn nhất của các trang trại khi vay vốn đầu tư sản xuất chính là không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, quỹ đất trang trại chỉ được ký hợp đồng 5 năm 1 lần nên không thể giải quyết được khó khăn này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu cho rằng, cần nghiên cứu để đất làm trang trại cũng được “bình đẳng” như đất trong các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu được vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi  cho các trang trại vay vốn.

 

Có ý kiến cho rằng nên thành lập quỹ tín dụng riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại trong vấn đề vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.



AGROINFO tổng hợp
Báo cáo phân tích thị trường