Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hết tùy tiện tăng giá sữa, xăng dầu...
17 | 12 | 2009
Quyền định giá nên trả về cho DN, nhà nước chỉ nên hậu kiểm.

Sữa, thép, thuốc chữa bệnh... là những nhóm mặt hàng thiết yếu sẽ không được tăng giá tùy tiện như thời gian qua. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá sẽ phải gửi hồ sơ đăng ký giá lên cơ quan quản lý giá và chính quyền địa phương. Đây là nội dung chính được hướng dẫn tại Thông tư 227 quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá vừa được Bộ Tài chính ban hành. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Trưởng phòng Chính sách giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho biết như vậy.

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với mức giá đăng ký

Bộ Tài chính quy định từ ngày 12-1-2010, tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên 30 nhóm mặt hàng như thuốc chữa bệnh, xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng, gạo, đường, sữa các loại... sẽ phải đăng ký giá với nhà nước. Theo hướng dẫn mới, các sở tài chính địa phương sẽ phải kiểm soát chặt chẽ giá đăng ký, kê khai và việc thực hiện bán theo giá đăng ký và niêm yết. Trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) là đăng ký mức giá và bán theo giá đã gửi lên cơ quan chức năng. Cụ thể là đơn vị nhập khẩu đồng thời là nhà phân phối độc quyền thì phải đăng ký, kê khai giá nhập khẩu, giá bán buôn, giá bán lẻ. Còn nếu là đơn vị sản xuất thì phải đăng ký và kê khai giá bán buôn và bán lẻ.

Nói tóm lại, DN sẽ phải có một bản giải trình chi tiết giá đầu vào: thuế nhập khẩu, giá nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí vận chuyển, lợi nhuận dự kiến, giá bán... gửi cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, còn một điều lo ngại rằng đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng phải đăng ký giá sẽ có mức giá đăng ký quá cao, cơ quan quản lý kiểm tra phát hiện sau khi hàng đã bán ra thị trường rồi. Ông Hòa cũng thừa nhận là có thể xảy ra chuyện này. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần quản lý giá tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Tức là chính sách cần tạo điều kiện để DN chủ động và chịu trách nhiệm với mức giá đã đăng ký. Nếu doanh nghiệp bán cao hơn mức giá đăng ký, hay mức đăng ký quá cao thì sẽ bị nhà nước truy thu phần chênh lệch bất hợp lý đó. Còn đơn vị nào liên tục vi phạm thì mức nặng nhất sẽ là thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh.

“Còn nếu quy định DN đăng ký giá xong mà phải chờ cơ quan nhà nước kiểm duyệt giá đó có hợp lý không thì sẽ gây khó khăn cho DN. Hơn nữa, chính sách vô tình làm khó, làm mất tính tự chủ của DN. Quyền định giá nên trả về cho DN, nhà nước chỉ nên hậu kiểm kèm với những chế tài đủ nặng để đảm bảo thị trường hoạt động” - ông Hòa nhận định.

Chủ tịch tỉnh cũng ra tay bình ổn hàng hóa

Ông Hòa cũng cho biết điều kiện áp dụng các mặt hàng bình ổn là khi các hàng hóa nêu trên có biến động bất thường là tăng giá quá cao, hoặc giảm quá thấp so với mức giá trên thị trường trước khi có biến động. Do vậy, Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan quản lý giá phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu nói trên.

Điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn như 13 nhóm mặt hàng khi có biến động bất thường (tăng hoặc giảm 15%-20% trở lên) trong thời gian 15 ngày liên tục đã được bãi bỏ. Nhiều DN lách luật, nhất là sữa chẳng hạn, không có đợt tăng giá nào đến 15% cả. Giá sữa được tăng làm nhiều đợt, chiếu theo quy định thì DN không vi phạm và thị trường vẫn bình ổn mặc dù người tiêu dùng trong nước là bị thiệt thòi.

Ông Hòa nêu: Thực tế, thời gian qua có chuyện giá sữa bán ở Việt Nam có cao hơn 150% so với một số nước trong khu vực là do chúng ta không yêu cầu tất cả các đơn vị này đăng ký giá. Bởi quy định chỉ những đơn vị có 50% vốn sở hữu nhà nước mới phải đăng ký giá thì dại gì mà các DN lại phấn đấu đạt con số này để bị kiểm soát. Đồng thời, theo Nghị định 75, sữa các loại là phải đăng ký giá. Nhưng trong Thông tư 104 hướng dẫn nghị định này thì chỉ hướng dẫn sữa dưới sáu tuổi mới phải đăng ký giá. Thế nên cơ chế hiện hành đã gần như là bó tay trước việc người tiêu dùng trong nước phải mua giá sữa quá cao.

Trong nhóm các mặt hàng, dịch vụ phải đăng ký, kê khai giá với nhà nước, thông tư trên cũng nhấn mạnh chủ tịch tỉnh cũng có quyền bổ sung các mặt hàng khác vào diện phải cần bình ổn. Ví dụ như vào mùa du lịch, giá thuê phòng các khu du lịch tăng quá cao thì chủ tịch tỉnh cần có quy định rõ đối với những mặt hàng đặc thù của địa phương mình.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường