Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lúa, gạo tại ĐBS Cửu Long giảm nhẹ trở lại
18 | 12 | 2009
Theo giới tiểu thương chuyên đi thu mua lúa bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, mấy ngày qua giá nhiều loại lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng bình ổn và giảm nhẹ trở lại, khoảng 40-50 đồng/kg so với cách đây 1 tuần.

Nguyên nhân giá bán buôn nhiều loại lúa thường và gạo nguyên liệu xuất khẩu giảm nhẹ do nguồn cung lúa hàng hóa trên thị trường đang tăng vì nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang... có lúa mới thu hoạch.

Hiện nay, giá các loại lúa thường bán lẻ trên thị trường ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đứng ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, trong khi giá nông dân bán cho thương lái phổ biến 5.600-5.700 đồng/kg.

Nguyên nhân giá lúa gạo từ hơn 1 tháng trước đó tăng đột biến là do các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long bước vào thời điểm giáp vụ, nguồn lúa, gạo hàng hóa giảm. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo đang có nhiều thuận lợi, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng sau khi Philippines mở các đợt đấu thầu mua gạo với số lượng lớn.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu, ngoài nguyên nhân nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường giảm và nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều nước trên thế giới tăng, giá lúa gạo trong nước được đẩy lên ở mức cao còn do yếu tố tâm lý.

Nhiều người kinh doanh gạo ở thị trường trong nước quy đổi giá gạo xuất khẩu ra thành giá gạo bán lẻ ở thị trường trong nước. Mặt khác, đa số người buôn bán gạo và các loại hàng hóa khác nói chung, luôn mong muốn có được mức lời cao.

Vì vậy, giá gạo bán lẻ trong nước tại nhiều nơi đã nhanh chóng được đẩy lên ngang bằng với giá gạo xuất khẩu, thậm chí cao hơn. Trong khi đó, lượng lúa, gạo giá rẻ mà trước đây nhiều doanh nghiệp mua dự trữ vẫn còn rất nhiều trong kho. Ngoài ra, thời gian qua do một bộ phận người dân sợ giá gạo tăng thêm đã đổ xô mua gạo dự trữ, góp phần đẩy giá nhích lên.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm bình ổn thị trường lúa gạo, nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa lượng gạo về các cửa hàng bán lẻ gạo tại các tỉnh. Riêng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có hàng chục đại lý và cửa hàng bán lẻ gạo của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Gentraco, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Lương thực Sông Hậu.

Các cửa hàng bán lẻ gạo của các doanh nghiệp chế biến gạo có nguồn hàng dự trữ gạo dồi dào nên hiện nay người dân tại thành phố không phải lo gạo bị thiếu nguồn cung.

Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đều cho rằng, khoảng thêm nửa tháng, lượng lúa mới thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất dồi dào nên nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường sẽ tăng đáng kể trở lại. Vì thế, giá các loại lúa, gạo sẽ khó có khả năng còn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, do giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nên dự đoán giá các loại lúa gạo không giảm mạnh và nhiều khả năng sẽ ổn định ở mức cao từ nay đến khi bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2009-2010.

Thị trường bán lẻ gạo tại các chợ ở các tỉnh thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, trong khoảng 1 tuần qua, giá đã có xu hướng bình ổn trở lại, không còn tiếp tục tăng thêm.

Tại nhiều cửa hàng bán lẻ gạo, lượng người đến mua gạo cũng bình thường và không có tình trạng người dân sợ giá tăng mà mua gạo về dự trữ như hồi năm 2008.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương phía Bắc đang trong trình trạng khô hạn nghiêm trọng, có ít nhất 50.000ha đất lúa thiếu nước tưới phải chuyển đổi phần lớn đất lúa trồng các loại cây khác.

Do vậy, nhu cầu dự trữ lúa, gạo cho tiêu dùng trong nước sẽ phải được cân đối tăng thêm. Các chuyên gia dự đoán khó có thể xảy ra sốt gạo như hồi tháng 4/2008, nhưng giá cả các loại gạo tại các thành phố lớn đã nhích lên.



Theo TTXVN/Vietnam+
Báo cáo phân tích thị trường