Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu trái cây Việt Nam vào châu Âu: Người mua muốn trái ngon, an toàn
02 | 10 | 2007
Theo dự báo của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả của thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, trong khi sản lượng rau quả chỉ tăng 2,8%/năm. Riêng thị trường châu Âu trong năm 2006 đã nhập khẩu hơn 11 triệu tấn rau quả, xuất khẩu gần 4 triệu tấn, trong khi sản lượng rau quả của khu vực này là 92,2 triệu tấn. Tính ra thị trường rau quả thế giới cung vẫn chưa đủ cầu.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, chuyện có trái ngon ở Nam bộ, ngoài hương vị độc đáo thì việc làm cho hương vị ấy lan tỏa xa hơn vẫn là mối trăn trở của các nhà vườn, doanh nghiệp. Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhà tổ chức chính của các kỳ đấu xảo trái ngon, cố gắng tìm giải pháp góp sức khắc phục tình trạng "trồng, chặt" ở khu vực ĐBSCL qua buổi hội thảo thu hút 500 nhà vườn tham dự tại hội chợ nông nghiệp quốc tế Cần Thơ 2006 (ngày 9.12.2006).

TS Võ Mai, chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào việc trái cây của ĐBSCL sớm có chỗ đứng trên thị trường châu Âu, khi nói về nhu cầu nhập khẩu rau quả của thị trường này và tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất và môi trường. "Tiêu chuẩn EUREPGAP của EU là tiêu chí đầu tiên cho rau quả nhập vào thị trường châu Âu, rồi mới đến bổ dưỡng, ngon, mẫu mã đẹp, sẵn sàng tiện ích…", TS Võ Mai nói. Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải kết hợp, hỗ trợ với nông dân xây dựng và thực hiện các qui trình an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng hóa chất độc và vi sinh vật hại, kiểm tra chất lượng, chứng minh xuất xứ, thông tin triển khai và phản hồi, cung ứng ổn định cả năm, đồng thời giảm chi phí hậu cần (hiện tại là 30%), xây dựng kế hoạch sản xuất theo yêu cầu thị trường. Về phía nhà vườn phải liên kết, liên doanh (thông qua tổ hợp, HTX, công ty cổ phần…), ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng khối lượng, giảm chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp, nhà vườn liên kết xây dựng chuỗi giá trị, phân phối, xây dựng thương hiệu mạnh, giảm chi phí hậu cần, xúc tiến thương mại và quan hệ khách hàng… Theo TS Võ Mai, để tạo dựng chỗ đứng cho trái cây trên thị trường thế giới, thì vai trò quyết định là của Nhà nước qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, hệ thống thủy lợi, qui hoạch đồng bộ…), trung tâm xử lý đóng gói, tăng cường khuyến nông, khuyến khích kinh tế tập thể, xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển thị trường. Hiệp hội trái cây Việt Nam là nơi trợ giúp cho các nhà vườn thực hiện các tiêu chí nêu trên, TS Võ Mai cam đoan.

Theo thạc sĩ Lê Quốc Điền (Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), để sản xuất được trái cây an toàn, giá thành giảm, điều cần làm đầu tiên của các nhà vườn là nhận thức đúng các biện pháp an toàn sinh thái, quản lý dịch hại theo tiêu chuẩn IPM. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây ăn trái là biện pháp tốt nhất hiện nay. Để có hiệu quả cho biện pháp quản lý dịch bệnh, nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn EUROGAP rất cần sự liên kết của các nhà vườn trong khu vực liền kề, chứ không thực hiện riêng lẻ như cách làm hiện nay ở ĐBSCL.

Lý thú và bất ngờ, ông Lê Văn Bảy, một nhà vườn trồng cam sành, bưởi ở ấp An Lạc, An Thái Đông, Cái Bè, Tiền Giang nói: "Ban đầu, cây ổi được trồng xen cây cam với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế thì tui thấy các liếp cam trồng xen như vậy ít bị bệnh hơn, do vậy số lần phun xịt thuốc phòng trị trên các thửa vườn này cũng giảm".

Qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của tiến sĩ Ichinose, (tổ chức JIRCAS) trên nhiều mô hình trồng xen giữa cây có múi và các loại cây khác, thì các vườn cây có múi trồng xen cây ổi xá lỵ nghệ có mật số rầy chổng cánh, rầy mềm, sâu vẽ bùa giảm thấp; cây lớn nhanh hơn so với trồng thuần.

Các nhà vườn trồng cây có múi ở ĐBSCL đang quan tâm nhiều đến kết luận ban đầu của ông Ichinose: chất trích ly từ hecxan (Terpenoids – nhóm hương ổi) có tác dụng xua đuổi rầy chổng cánh.

(Nguon tin: SGTT)



Báo cáo phân tích thị trường