Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2010: Xuất khẩu tôm sú dự kiến đạt 1,4 tỷ USD
04 | 01 | 2010
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), năm 2010, tôm sú vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong khi xuất khẩu tôm chân trắng sẽ tăng gấp đôi lên 500 triệu USD

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), năm 2010, tôm sú vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong khi xuất khẩu tôm chân trắng sẽ tăng gấp đôi lên 500 triệu USD, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn. Việt Nam có thể sẽ có lợi thế ở thị trường tôm chân trắng cỡ nhỏ do có nguồn lao động. Kim ngạch xuất khẩu tôm sú dự kiến sẽ đạt 1,4 tỉ USD. Năm 2010, dự kiến giá thành tôm sú sẽ tác động trực tiếp lên xuất khẩu chứ không phải là thị trường.


Năm 2010, tôm Việt Nam sẽ là lựa chọn của các nhà nhập khẩu Nhật Bản trong khi Hàn Quốc sau khủng hoảng sẽ là thị trường quan trọng đối với tôm Việt Nam.


Vasep nhận định, năm 2009 là một năm đáng ghi nhận đối với ngành tôm Việt Nam bởi kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng nghiêm trọng.


Tính đến hết tháng 11/2009, ước tính, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 190.490 tấn, trị giá trên 1,518 tỉ USD, tăng 7,4% về lượng và 0,73% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Đây là mặt hàng thuỷ sản duy nhất tăng trưởng trong năm 2009. Hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong đó 60 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm hơn 80% kim ngạch. 120 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu hơn 1 triệu USD.


Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu tôm vào 82 thị trường trong đó 10 thị trường đầu tiên chiếm hơn 80% cả về khối lượng lẫn giá trị gồm Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Canađa, Anh và Bỉ.


Tôm sú vẫn là mặt hàng chủ lực, chiếm trên 75% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng ngày càng chiếm tỉ trọng cao, đạt xấp xỉ 50.000 tấn với kim ngạch cả năm dự kiến đạt 300 triệu USD.


Thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và Ôxtrâylia trở thành những thị trường hết sức tiềm năng với doanh số tăng đáng kể, chiếm gần 20% thị phần xuất khẩu. Thị trường Đức cũng là một thị trường rất đáng chú ý trong năm 2009, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của 10 nước Châu Âu cộng lại.


Thống kê năm 2009 cho thấy, Nhật Bản gia tăng nhập khẩu tôm chân trắng, chiếm 18% khối lượng, trong khi Mỹ, thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất chiếm 28%.



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường