Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đã khuyến cáo không bán gạo sang Nga
11 | 07 | 2007
Xung quanh việc Nga ngưng nhập gạo VN và nhiều nước khác vì nhiễm hóa chất, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Trương Thanh Phong - chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA)...

Ông Phong cho biết đó là thông tin vô căn cứ. Ông nói:

- Tôi khẳng định thông tin cho rằng gạo VN có dư lượng thuốc diệt cỏ là vô căn cứ. Sản xuất lúa gạo của VN hiện đã đạt trình độ chuyên nghiệp, nông dân ứng dụng chương trình quản lý tổng hợp trong canh tác, chương trình “ba tăng, ba giảm” (giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón và giảm lượng giống)...

Gạo VN hiện đã xuất khẩu đi hàng trăm nước, được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, VN nằm trong danh sách các nước xuất khẩu gạo chính cho thị trường Nhật - một thị trường rất khó tính, đòi hỏi rất nhiều về chất lượng, vệ sinh, an toàn cho sức khỏe. Để vào được thị trường Nhật, gạo VN phải đáp ứng đến... 267 tiêu chuẩn, họ kiểm tra tất cả các chất có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ riêng năm nay VN đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Nhật lên tới 100.000 tấn gạo, đến thời điểm này đã giao được 86.000 tấn.

* Ngoài việc tạm ngưng nhập khẩu gạo VN với lý do phát hiện có dư lượng thuốc diệt cỏ (!?), phía Nga cũng cấm nhập khẩu gạo của hàng loạt nước như Tây Ban Nha, Uruguay và Thái Lan với lý do có dư lượng thuốc trừ sâu, còn gạo Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Ai Cập... không đảm bảo chất lượng, mốc và hôi (!?).

* Bộ Thương mại VN đã gửi công hàm đến Thương vụ Nga tại VN đề nghị phía Nga cung cấp thông tin và bằng chứng về việc gạo VN nhiễm chất diệt cỏ như thông tin từ phía Nga đưa ra. Phía VN cũng lưu ý với Nga rằng VN là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong nhiều năm nay. Gạo VN đã vượt qua rất nhiều kiểm tra khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng đã chỉ đạo cho Thương vụ VN tại Nga liên hệ với cơ quan kiểm dịch nông nghiệp của quốc gia này để nắm thông tin, đồng thời đề nghị phía Nga có trả lời chính thức xung quanh việc ngừng nhập khẩu gạo VN.

* Phía VN đã có phản ứng gì trước lệnh cấm của Nga?

- Bộ Thương mại VN đã gửi công hàm yêu cầu phía Nga cung cấp bằng chứng cụ thể về lý do nước này đưa ra để cấm nhập khẩu gạo VN. Nếu không có bằng chứng, việc thông tin sai lệch như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.

Về phía VFA, trước đây cũng đã từng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên xuất gạo sang thị trường Nga vì đây là thị trường rất phức tạp, nhiều rủi ro...

Thứ nhất, về thanh toán, các nhà nhập khẩu Nga không theo thông lệ là mở tín dụng thư mà chủ yếu là mua hàng trả chậm, thời gian trả chậm từ 90-120 ngày, rủi ro cho nhà xuất khẩu rất lớn.

Thứ hai, tình trạng gian lận, trốn thuế tại thị trường Nga diễn ra khá phổ biến. Tôi cũng không loại trừ khả năng các nhà kinh doanh gạo nội địa của Nga cạnh tranh, với động cơ và quyền lợi cá nhân nên tung thông tin gạo VN hay các nước khác có vấn đề...

* Hoạt động xuất khẩu gạo VN có bị ảnh hưởng gì sau khi bị cấm vào Nga, thưa ông?

- Xuất khẩu gạo VN không bị ảnh hưởng bởi lệnh của Nga về tạm ngưng nhập khẩu gạo vì Nga không phải là thị trường xuất khẩu gạo chính của VN. Lượng gạo VN xuất khẩu sang Nga hằng năm không nhiều, năm cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 tấn, năm nay khoảng 62.000 tấn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo của VN, trong đó có Tổng công ty Lương thực miền Nam, cũng đã ngưng xuất khẩu sang thị trường này. Hơn nữa, lượng gạo trong nước cũng không còn nhiều để xuất khẩu sang những thị trường như Nga.

Hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước

Một cán bộ Tổng công ty Lương thực miền Nam khẳng định chuyện lúa gạo nhập khẩu vào Nga “nhiễm thuốc diệt cỏ” chỉ thuần túy là “hàng rào kỹ thuật” được dựng lên để Nga bảo hộ ngành sản xuất lương thực trong nước.

Theo vị cán bộ này, sản xuất lúa và lúa mì tại Nga trong những năm trước bị thất mùa nặng nên việc xuất gạo sang thị trường này khá dễ dàng. Từ đầu năm 2005 đến nay, sau khi được mùa, phía Nga đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu gạo, đồng thời áp thuế nhập khẩu gạo lên tới... 50 EUR/tấn. “Có thể những biện pháp này vẫn không ngăn cản được gạo nhập khẩu, phía Nga đã đưa ra lý do “nhiễm thuốc diệt cỏ” để bảo vệ thị trường trong nước”, vị cán bộ này nhận định.

Không chỉ Nga, trước đây một số nước Mỹ Latin cũng đã cấm nhập khẩu gạo từ các nước châu Á với lý do gạo có... côn trùng nhằm bảo vệ ngành sản xuất lương thực trong nước.



Hải Đăng
Báo cáo phân tích thị trường