Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An toàn vệ sinh thực phẩm: Càng kiểm tra, càng phát hiện nhiều vi phạm
08 | 01 | 2010
Tình trạng vi phạm VSATTP đang trở thành vấn đề “nóng” hơn bao giờ hết. Càng “nóng” hơn khi Tết Nguyên đán sắp cận kề. Các cơ quan chức năng của Thành phố đang ráo riết tung quân kiểm tra. Điều đáng nói, kiểm tra đến đâu phát hiện vi phạm đến đó, càng kiểm tra, càng phát hiện nhiều vi phạm.

Đâu đâu cũng vi phạm

Đoàn kiểm tra liên ngành TP vừa kiểm tra VSATTP tại làng nghề sản xuất mứt tết truyền thống xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm). Trong số 39 cơ sở đăng ký sản xuất bánh, mứt, kẹo tết, đã có 27 cơ sở bắt đầu đi vào sản xuất với qui mô lớn, nhỏ. 12 hộ còn lại cũng đang chuẩn bị từ nhân công, cơ sở hạ tầng và nguyên liệu đầu vào. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, việc thực hiện VSATTP của làng nghề này năm nay tiến bộ hơn năm trước, và lãnh đạo UBND xã cũng khẳng định, chính quyền địa phương đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác đảm bảo VSATTP cho làng nghề này. Thế nhưng theo quan sát của phóng viên, nhiều cơ sở vẫn vi phạm VSATTP. Đặc biệt, việc phơi mứt bí vẫn tràn lan cả vỉa hè, để lẫn rác rưởi trên nền đất bẩn. Những dụng cụ đựng mứt lâu ngày không cọ rửa cáu bẩn. Một số hộ sản xuất ở ngõ Hoà Bình chưa đảm bảo vệ sinh theo qui định.

Trong khi đó, một đoàn kiểm tra liên ngành khác gồm: Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, QLTT, Chi cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh rau an toàn (RAT) tại một số cửa hàng kinh doanh rau. Tại hầu hết các điểm được kiểm tra, đều xảy ra tình trạng vi phạm, phổ biến nhất là vi phạm về bao bì, tem ghi nguồn gốc, xuất xứ, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, sơ chế RAT.

Tại cửa hàng RAT Tiện Lợi, khu Trung Hòa - Nhân Chính mặc dù treo biển “Rau an toàn” nhưng lại bán rau không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên nhãn mác theo qui định. Về hình thức, hơn 60 mặt hàng RAT được bày bán tại cửa hàng đều không bảo đảm các quy định về bao bì, nhãn mác và niêm phong. Chỉ có 2 mặt hàng giá đỗ và đậu cove là được đóng gói bằng bao bì của HTX sản xuất và tiêu thụ RAT Minh Hiệp (xã Vân Nội, huyện Đông Anh), nhưng cũng chưa có nhãn mác và tem niêm phong. Ngay cả quầy bán rau của siêu thị Intimex (Hào Nam – Đống Đa) cũng vi phạm. Khi kiểm tra, lãnh đạo siêu thị chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT của khu sản xuất RAT phường Cự Khối, trong khi đó trên các sản phẩm bày bán tại đây lại không có tem; những giấy tờ khác liên quan đến hoạt động sản xuất và sơ chế của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Việt Liên là đơn vị phân phối sản phẩm, siêu thị không xuất trình được.

Người tiêu dùng tin vào đâu?

Theo kế hoạch kiểm tra của đoàn liên ngành VSATTP Thành phố, sẽ có 2 đoàn của TP và nhiều đoàn ở cấp quận/huyện, phường/xã sẽ liên tục giám sát các cơ sở sản xuất từ nay tới Tết Nguyên đán. Phía Chi cục BVTV cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra RAT từ sản xuất, sơ chế đến khâu lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng quan tâm là không hiểu ngành chức năng quản lý VSATTP như thế nào mà hễ kiểm tra ở đâu thì đều phát hiện vi phạm vệ sinh thực phẩm. Những cơ sở đã được cấp phép, thậm chí cấp giấy chứng nhận VSATTP cũng vi phạm, còn những cơ sở chưa được cấp giấy, chưa được kiểm tra thì sao? Các ngành cũng như Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng luôn kêu gọi mỗi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, nhưng khi người tiêu dùng tìm đến những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được cấp phép của cơ quan chức năng vẫn bị mua phải thực phẩm bẩn. Để yên tâm, người dân đã đổ xô vào siêu thị để mua hàng, nhưng ngay như những siêu thị lớn như BigC, Metro, Intimex… vẫn từng bị phát hiện vi phạm VSATTP thì người tiêu dùng biết tin vào đâu?



Theo www.ktdt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường