Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
1,2 tỷ đồng xóa nhà tạm ở A Lưới đi đâu?
13 | 09 | 2007
Không khí ở huyện miền núi A Lưới trở nên ngột ngạt bởi hơn 300/2.407 hộ dân hưởng lợi từ dự án xóa nhà tạm ở đây đang phấp phỏng trước những con số "chi vượt" vừa được công bố.
Xóa nhà tạm, giúp dân từng bước ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo là chủ trương đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước. Vậy mà khi triển khai, Ban Quản lý dự án xóa nhà tạm huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã làm cho những người hưởng lợi trực tiếp từ dự án, rơi vào cảnh "dở khóc dở cười"!

Dẫu đã sang thu, nhưng không khí ở huyện miền núi A Lưới vẫn "nóng", ngột ngạt bởi hơn 300/2.407 hộ dân hưởng lợi từ dự án xóa nhà tạm ở đây đang phấp phỏng trước những con số "chi vượt" vừa được công bố. Ông Quỳnh Dơn, người dân xã Hồng Thủy - đối tượng hưởng lợi từ dự án nói oang oang: "Mấy chục năm ni, dù nghèo nhưng tui vẫn ngủ ngon vì không nợ nần ai cả. Chừ tự nhiên Ban Quản lý dự án nói "chi vượt" cho tui mấy triệu (mà chi vượt thì sẽ lấy lại - NV) rứa là tui ăn ngủ mất ngon!".

""Chi vượt" là... nói liều"(?!)

Không chỉ ông Quỳnh Dơn ăn ngủ mất ngon. Theo con số được công bố tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa qua, Ban Quản lý dự án xóa nhà tạm huyện A Lưới đã "chi vượt" làm thất thoát trên 1,1 tỷ đồng cho hơn 500 hộ dân ở 13 xã, thị trấn. Thông tin trên khiến những người được hưởng lợi từ dự án như ngồi trên lửa.

Không còn giữ được bình tĩnh như ông Quỳnh Dơn, ông Cao Anh Tuấn, người dân xã Hồng Vân nói: "Từ ngày xóa nhà tạm đến nay, tui chỉ nhận hai triệu đồng (vào ngày 18-5-2005), rứa mà trong danh sách chi trả của Ban Quản lý dự án xóa nhà tạm huyện ghi: "Ðã chi cho tui hai lần, lần thứ nhất hai triệu; lần thứ hai là ba triệu đồng". Ghi rứa là không đúng! Ðề nghị cần điều tra để làm rõ ba triệu đồng còn lại đã đi đâu?".

Ông Quỳnh Théc, người dân xã Hồng Thủy liên tục đấm tay vào không khí, nói: "Tui không biết chữ, nên bị lừa. Tui đi nhận tiền đúng hai lần, mỗi lần năm triệu đồng. Mỗi lần nhận, họ biểu tui ấn ngón tay vô ba tờ giấy rồi mới cho nhận tiền. Tui chỉ nhận hai lần là 10 triệu, nhưng thống kê của huyện tới chừ, tui đã nhận ba lần là 13 triệu đồng. Ở tờ biên lai ký nhận lần thứ ba (ba triệu đồng), trên thực tế tui không hề nhận, nhưng tui không hiểu vì răng họ lại có dấu tay của tui".

Cũng là người có tên trong danh sách "được" "chi vượt" , nhưng ông Hồ Luân, người dân xã Hồng Quảng vẫn bình tĩnh và nói rành mạch: "Ðể xóa nhà tạm theo chương trình của huyện, tui phải vay tiền ở bên ngoài. Bây giờ nhà xây xong mới biết, mình bị ghi gian mất ba triệu. Nếu bây giờ không được huyện giải quyết, chi đủ, chi đúng số tiền đã hứa hỗ trợ, thì bọn tui biết lấy đâu tiền để trả nợ? Việc huyện lý giải con số 1,1 tỷ đồng thất thoát là do "chi vượt", tui thấy chưa hợp lý. Bởi nếu "chi vượt" thì phải có người nhận, nhưng đằng này đối tượng được "chi vượt" là dân mà dân lại không nhận thì huyện nói rứa là... nói liều!".

Danh sách "lậu"?

Tại xã A Roàng, ông Hồ A Lua, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A Roàng cũng đang đau đầu trước bản danh sách "chi vượt" mà Ban Quản lý dự án xóa nhà tạm huyện A Lưới vừa gửi về. Ông Lua nói: "Danh sách nhận tiền "chi vượt" mà Ban Quản lý dự án xóa nhà tạm chuyển về cho xã là... danh sách "lậu". Bởi trước đây, xã chỉ đề nghị huyện giải ngân cho những hộ có tên trong danh sách mức hai triệu đồng/hộ. Thế nhưng, trong danh sách này, các hộ dân đã "được" "linh động" cho nhận "vượt" từ một đến ba triệu đồng/hộ là điều không bình thường. Hơn nữa, các hộ dân có tên trong sách cũng đã quả quyết với xã rằng: Họ không hề nhận năm triệu, mà chỉ nhận đúng hai triệu như đề nghị của xã".

Ông Ðoàn Minh Luyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A Ngo khẳng định, "Chưa khi mô tui ký đề nghị giải ngân ba triệu. Thế nhưng Ban Quản lý dự án xóa nhà tạm huyện lại có tờ giải ngân ba triệu đồng. Tui khẳng định tui chưa bao giờ đề nghị chi số tiền đó. Có điều tui không hiểu là, tại sao trong tờ đề nghị đó lại có dấu của Ủy ban nhân dân xã A Ngo và cả chữ ký của tui - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã". Theo ông Hồ A Lua và Ðoàn Minh Luyện, những ngày qua, không chỉ lãnh đạo xã A Roàng, A Ngo thắc mắc về tờ giấy đề nghị chi tiền không rõ ràng nói trên, mà lãnh đạo của 11 xã, thị trấn khác trong huyện cũng băn khoăn, lo lắng không kém, bởi trên tất cả các chứng từ "lậu" kể trên đều có chữ ký, và con dấu của xã. Ông Nguyễn Hải Thỏa, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Quảng thở dài: "Vì có dấu của xã, chữ ký của tui trong danh sách "chi vượt" nên nhiều hộ dân đã nhắm vào tui để chửi. Thậm chí có người còn túm cổ áo tui đòi đánh "vì thông đồng với Ban Quản lý dự án huyện để "ăn chặn" tiền của dân" (!).

Có dấu hiệu cố ý làm trái

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban Quản lý dự án xóa nhà tạm huyện A Lưới gặp tôi trong trạng thái miễn cưỡng. Ông nói, "Nếu dân không nhận thì tại sao lại ký? Trong chuyện này, không hẳn huyện nợ tiền của dân, mà nói đúng là... dân nợ tiền của huyện (!?)" - rồi hùng hồn: "Từ trước tới chừ, Ban Quản lý dự án huyện làm việc chặt chẽ lắm (!). Mức hỗ trợ xóa nhà tạm đã quy định mỗi hộ được nhận 15 triệu đồng. Ðối với các hộ xóa nhà tạm tự cung ứng vật liệu, huyện sẽ tiến hành giải ngân hai lần, mỗi lần năm triệu, lần cuối cùng sẽ thanh toán hết khi quyết toán, nghiệm thu công trình. Còn đối với các hộ xóa nhà tạm do huyện cung ứng vật tư, huyện cũng sẽ giải ngân hai lần, mỗi lần hai triệu, khi xong nhà, sẽ nghiệm thu thanh toán nốt hai triệu còn lại. Việc giải ngân vốn xóa nhà tạm từ trước đến nay ngoài việc chi theo đề nghị của ban 134 xã, thì quy trình giao tiền phải tuân thủ theo nguyên tắc ba bên, tức có dân, đại diện ban 134 của xã, rồi Ban Quản lý của huyện cùng ký, thủ quỹ mới chi tiền".

Song, nếu đã chặt chẽ như thế thì tại sao lại nảy sinh thất thoát? Tại sao đã có định mức chi hai triệu đồng/lần/hộ cho những đối tượng do huyện cung ứng vật tư, năm triệu đồng/lần/hộ cho những hộ tự cung ứng vật tư mà Ban Quản lý dự án huyện lại duyệt chi ở mức ba triệu đồng/lần/hộ? Theo quy định, mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng, nhưng tại sao, trong danh sách "chi vượt", có nhiều hộ được nhận từ 18 đến 20 triệu đồng? - Ông Nghĩa nói: "Hiện tại tui cũng chưa trả lời chắc chắn được, nhưng có lẽ là do năng lực anh em ở dưới yếu, hoặc, trong quá trình lập hồ sơ ở xã, huyện đã để xảy ra sai sót! Nói chung là tui không biết! Còn trách nhiệm của tui đến đâu thì tui xin trả lời: Tui chỉ căn cứ vô danh sách kế toán trình, thấy dân ký nhận, xã xác nhận rồi thì tui ký để kế toán chi chứ không ăn uống chi ở đó cả (?!)".

Từ câu trả lời của ông Nghĩa về định mức hỗ trợ, quy trình giải ngân kết hợp với những hồ sơ, tài liệu và những nhân chứng hiện có, bước đầu đã có cơ sở khẳng định có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định về quản lý tài chính. Ðề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cần đốc thúc cơ quan chức năng, sớm điều tra, kết luận làm rõ sai phạm của những cá nhân, tổ chức cố ý làm trái để đưa ra ánh sáng, nhằm giải tỏa nỗi lo lắng, bức xúc của người dân và chính quyền các địa phương.


Báo cáo phân tích thị trường