Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ðể người trồng lúa có lãi
18 | 01 | 2010
Thực hiện chủ trương của Nhà nước bảo đảm cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30% một cách ổn định, lâu dài, mới đây Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn xây dựng Ðề án Chính sách hỗ trợ của Nhà nước để bình ổn giá thị trường lúa, gạo trình Chính phủ thông qua thực hiện từ năm 2010.

Thị trường lúa, gạo Việt Nam

Trong những năm qua, cùng với việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế, cơ chế quản lý giá cả và hệ thống giá nói chung, giá thóc gạo nói riêng cũng được chuyển từ cơ chế giá hành chính sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Xét về bản chất, giá thị trường vốn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, do đó, nếu không có sự điều tiết, hỗ trợ hợp lý có hiệu quả của Nhà nước thì khó khắc phục những tác động bất lợi từ tính tự phát của thị trường nói riêng và cơ chế thị trường nói chung.

Ở nước ta, diện tích sản xuất lúa gạo hiện đạt khoảng 7,4 triệu ha với sản lượng khoảng hơn 38 triệu tấn thóc. Toàn bộ sản lượng này đã, đang và sẽ tiếp tục được vận hành theo cơ chế giá thị trường. Nếu xét về khả năng sản xuất và cung ứng lúa, gạo thì  đây vốn là hoạt động phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mang tính mùa vụ và vùng miền. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo lại trải đều trong năm và tất cả các vùng trong cả nước, điều này dễ gây ra tình trạng cung không cân bằng với cầu cả về thời gian và địa điểm. Hơn nữa, có những thời điểm thu hoạch rộ, giá giảm nhiều, có thời điểm giảm thấp hơn cả giá thành sản xuất.

Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay chỉ tổ chức mạng lưới mua lúa trực tiếp của người sản xuất được khoảng 20%, khối lượng 80% còn lại mua qua "trung gian" và lực lượng này luôn tạo xu thế ép giá bán của người sản xuất xuống dưới giá mà các doanh nghiệp xuất khẩu mua. Lợi nhuận của người sản xuất vì thế luôn bị giảm sút. Như vậy, quy luật tự điều chỉnh của thị trường luôn tác động làm dịch chuyển (thậm chí phá vỡ) cơ cấu sản xuất và cây trồng, khiến người sản xuất không yên tâm đầu tư, vì giá cả không ổn định có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản.

Chính sách hỗ trợ

Ðể thực hiện các chương trình kinh tế định hướng, góp phần thiết lập sự an toàn trong cung ứng thóc gạo, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời tạo điều kiện cho người sản xuất có lãi tối thiểu 30% và góp phần tiêu thụ hết lúa hàng hóa cũng như bảo đảm phân phối thu nhập hợp lý giữa các tầng lớp dân cư..., Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ngành, địa phương đưa ra những kiến nghị trong việc lựa chọn chính sách hỗ trợ bình ổn giá thị trường thóc, gạo của Việt Nam. Theo đó, thực hiện hỗ trợ cả "đầu vào" và "đầu ra" cho sản xuất bằng cách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người sản xuất lúa để mua vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như: giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu...; hình thành Quỹ bình ổn giá để các doanh nghiệp mua lúa theo giá sàn và sử dụng Quỹ bình ổn bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá sàn.

Theo Bộ Tài chính, chính sách hỗ trợ đầu vào sản xuất gồm có hai phương án: Hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất lúa vay vốn ngân hàng mua vật tư nông nghiệp và hỗ trợ qua giá bán vật tư nông nghiệp (quy định giá bán vật tư nông nghiệp không tính lãi). Phương án 1 là phương án có tính khả thi cao hơn, bởi khi thực hiện phương thức mua bán vật tư nông nghiệp theo giá thị trường, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất lúa vay vốn để mua vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (như giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu...) nhằm giảm giá thành cho người sản xuất. Mức được Bộ Tài chính đề xuất là hỗ trợ toàn bộ các khoản thuế mà các tổ chức tín dụng phải nộp khi thực hiện nghiệp vụ cho nông dân vay vốn mua vật tư nông nghiệp cộng với lợi nhuận của các tổ chức tín dụng khi thực hiện nhiệm vụ này. Ðối tượng phạm vi hỗ trợ gồm tất cả các hộ trồng lúa vụ hè thu trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh giải pháp trên, các bộ, ngành, địa phương được giao dự thảo Ðề án đề nghị Nhà nước thực hiện các giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp và thực hiện cơ chế điều hành linh hoạt, như: điều hòa cung cầu vật tư đầu vào của sản xuất; thực hiện việc kiểm soát trực tiếp vào thị trường thông qua những luật lệ đã được thể chế hóa (như kiểm soát việc đăng ký giá đối với các loại phân hóa học, một số loại thuốc trừ sâu, xăng dầu, điện... Trường hợp đặc biệt có thể quy định khung giá đối với một số vật tư cơ bản để các doanh nghiệp kinh doanh căn cứ vào tình hình thực tế quy định mức giá cụ thể; kiểm soát tồn kho khi có dấu hiệu đầu cơ, kiểm soát các yếu tố hình thành giá...); tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí như hiện nay góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp...

Hình thành Quỹ bình ổn giá lúa gạo

Trong số các chính sách hỗ trợ đầu ra tiêu thụ lúa hàng hóa (hỗ trợ theo hạng điền, áp dụng "Chính sách tín dụng tồn trữ và giá cầm cố", đầu tư ứng trước theo hợp đồng kinh tế hai chiều, thực hiện nguyên tắc giá thị trường và thực hiện mua lúa theo giá sàn gắn với việc hình thành Quỹ bình ổn giá), Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện mua lúa theo giá sàn gắn với việc hình thành Quỹ bình ổn giá theo nguyên tắc đã đề ra. Theo đó, Nhà nước thành lập Quỹ bình ổn giá thóc, gạo và cho phép doanh nghiệp mua khối lượng thóc tạm trữ này được sử dụng Quỹ bình ổn giá để có thể trực tiếp bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá sàn định hướng (thông qua việc mua lúa cho người sản xuất theo giá sàn định hướng chứ không phải mua theo giá thị trường). Theo tính toán, số tiền phải chi ra bù chênh lệch, tính theo giá lúa vụ hè thu năm 2009 vào khoảng 800 tỷ đồng, còn số kinh phí được dùng để hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để doanh nghiệp mua tạm trữ từ khi mua vào đến khi bán ra cho số lượng thóc trên (khoảng ba tháng) vào khoảng 199 tỷ đồng. Nguồn kinh phí để thực hiện Ðề án được đề xuất là hình thành và vận hành Quỹ bình ổn giá lúa gạo.

Ngoài ra, cần bù đắp phần chênh lệch lỗ phát sinh (nếu có) giữa giá thóc doanh nghiệp phải mua theo giá sàn định hướng và khi bán gạo theo giá xuất khẩu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để người sản xuất thật sự được thụ hưởng chính sách này thì điều kiện tiên quyết là phải mua lúa trực tiếp cho người sản xuất, nhưng trong điều kiện hiện nay, khi các doanh nghiệp chưa tổ chức được mạng lưới để mua tại nhà người sản xuất (hiện mới ở mức 20%) thì đề nghị các doanh nghiệp công bố hai loại giá ở hai địa điểm mua khác nhau, gắn với tiêu chuẩn chất lượng của lúa để người sản xuất lựa chọn nơi bán hàng hóa của mình thuận lợi nhất, tránh tình trạng bị trung gian ép giá.

Cùng với cơ chế trên, trong Ðề án, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư chiều sâu, thâm canh, tăng năng suất sản xuất đúng giống lúa thị trường cần, có giá tối ưu; thực hiện tốt các yêu cầu "ba tăng, ba giảm, bốn đúng" nhằm hạ giá thành để bán lúa, gạo có lãi ngay cả khi giá thị trường xuống thấp. Ngoài ra, xác định rõ đây là chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa, cần chỉ đạo doanh nghiệp sắp xếp hệ thống thu mua lúa của người sản xuất và đẩy nhanh tiến độ xây kho tạm trữ lúa để chế biến gạo xuất khẩu, tạm trữ cho đến khi xuất khẩu hết số lúa hàng hóa; thực hiện biện pháp bảo hộ từ việc sắp xếp sản xuất ở các cơ sở chế biến lúa, gạo nhằm tạo ra loại gạo có chất lượng theo yêu cầu thế giới, bán được giá, giảm hao hụt, giảm loại gạo có chất lượng kém nhằm có điều kiện "phân phối" hợp lý lợi ích giữa giá nguyên liệu và giá thành phẩm. Ðồng thời, phải giải quyết nhanh nhạy, kịp thời vấn đề vốn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu gạo, đặc biệt là ở những thời điểm cần kích cầu thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất...


Ðể đề án đi vào cuộc sống thành công, các bộ, ngành, địa phương đề xuất Nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cho người sản xuất giúp họ xem xét "mua gì, bán gì" ở đâu có lợi nhất, giúp họ có những quyết định đầu tư, tiêu thụ sản phẩm không bị sai lệch.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường