Mặc dù gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế thế giới suy thoái, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thị trường bị thu hẹp…nhưng kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả vẫn tăng.
Trong 11 tháng đầu năm 2009 có 20 thị trường nhập khẩu rau hoa quả của Việt Nam, giảm 19 thị trường so với cùng kỳ 2008. Tuy nhiên, một số thị trường chính như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan…vẫn tiếp tục tăng lên. Đáng chú ý thị trường Italia và Campuchia đạt mức tăng trưởng rất mạnh, đạt lần lượt 5,9 triệu và 3,1 triệu USD, tăng 80% và 67%. Đây là những thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm rau hoa quả của Việt Nam. Dự báo trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang những thị trường trên sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu rau hoa quả trong tháng 11 hầu như không có sự thay đổi. Trong số những thị trường chính nhập khẩu rau hoa quả của Việt Nam thì Trung Quốc vẫn là thị trường đạt kim ngạch cao nhất với trị giá 6,67 triệu USD, tăng 34,4% so với cùng tháng năm 2008. Tính chung 11 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường này đạt 49,4 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ 2008. Thanh long, dừa khô lột vỏ, khoai các loại vẫn là những mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này. Bên cạnh đó, một số loại rau như súp lơ, cà tím cũng là mặt hàng đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Mặt hàng thảo quả tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn trong tháng 11/09, với 154 tấn, kim ngạch đạt 550,5 nghìn USD.
Hiện nay xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường Nga vẫn bị giảm mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 11/09, mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường này tăng nhẹ với mức tăng 12% nhưng tính chung 11 tháng 2009 kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường Liên bang Nga chỉ đạt 30,9 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2008.
Tiếp đến là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 28,9 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2008. Đây là thị trường nhập khẩu chủ yếu các loại hoa, rau chế biến và củ các loại. Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu thanh long của Việt Nam từ đầu tháng 11/09 nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản còn hạn chế (đạt 22,7 tấn, kim ngạch đạt 151 nghìn USD). Tuy nhiên trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2010 kim ngạch xuất khẩu thanh long sang thị trường này sẽ tăng mạnh.
Xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường Đài Loan giảm khá mạnh trong 11 tháng qua. Kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả trong tháng 11/09 chỉ đạt 1,6 triệu USD, giảm 25,5% so với cùng tháng năm 2008. Tính chung 11 tháng 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,7 triệu USD, giảm 35 % so với cùng kỳ năm 2008.
Dự báo xuất khẩu rau hoa quả trong tháng đầu năm 2010 sẽ tăng mạnh do đây là thời điểm giữa Tết Âm lịch, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm rau hoa quả thường tăng cao vào dịp này. Các mặt hàng như trái cây tươi, trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô, rau đóng hộp như dưa chuột, ớt, cà chua, cà tím…vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu hàng rau quả tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2009
Thị trường | Kim ngạch XK tháng 11/2009 (USD) | Kim ngạch XK 11 tháng đầu năm 2009 (USD) |
Tổng | 38.101.791 | 391.441.941 |
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài | 5.908.841 | 57.791.558 |
Trung Quốc | 6.665.250 | 49.389.203 |
Nga | 1.800.936 | 30.890.300 |
Nhật Bản | 3.057.441 | 28.881.299 |
Hoa Kỳ | 2.571.876 | 19.057.512 |
Đài Loan | 1.654.704 | 18.715.488 |
Hà Lan | 1.640.105 | 15.869.091 |
Singapore | 825.943 | 8.944.946 |
Hàn Quốc | 294.570 | 8.063.341 |
Indonesia | 107.399 | 7.357.851 |
Thái Lan | 762.437 | 7.265.675 |
Italia | 1.100.184 | 5.945.637 |
Hồng Kông | 538.345 | 5.240.866 |
Canada | 619.372 | 5.208.299 |
Đức | 467.491 | 5.149.769 |
Ôxtrâylia | 561.335 | 5.125.518 |
Pháp | 553.778 | 5.078.778 |
Malaysia | 404.789 | 4.421.009 |
Campuchia | 198.473 | 3.149.001 |
Anh | 114.796 | 2.749.001 |
Ucraina | 64.475 | 1.433.005 |