Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía - đường biến động bất thường?
19 | 01 | 2010
Giá đường trên thị trường lại biến động mạnh đã làm xáo trộn thị trường mía nguyên liệu. Hiện tại, giá đường được các nhà máy bán ra đã tính thuế khoảng 16.200 đồng/kg. Hiện một số nhà máy đường đã đẩy giá mía lên gần 1.100 đồng/kg, có nhà máy lên 1.200 đồng/kg 10 CCS. Với giá này thì người trồng mía được lợi lớn. Nhiều vùng nguyên liệu vốn được nhà máy đường đầu tư bao tiêu nguyên liệu từ đầu vụ đang bị các nhà máy đường ngoài vùng nguyên liệu đến tranh mua mía quyết liệt...
Theo các nhà máy đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 2 tuần qua giá đường trên thị trường tăng hơn 1.500 đồng/kg. Cụ thể, giá đường các nhà máy xuất bán sỉ tăng từ 14.000 đồng/kg tăng lên 16.200 đồng/kg; các đại lý bán lẻ đẩy giá đường lên mức từ 19.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng khoảng hơn 20.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ một cơ sở sản xuất bánh mứt ở TP Cần Thơ, nói: “Giá tăng là chuyện đã đành, nhưng tăng quá cao ngay thời điểm cả nước vào vụ sản xuất mía đường thì không thể chấp nhận được? Điều này cho thấy người tiêu dùng chịu thiệt”. Trong thực tế, các nhà máy đường xuất kho giá không quá 17.000 đồng/kg nhưng đại lý bán lẻ tăng thêm từ 4.000- 5.000 đồng/kg là quá đáng! Thu mua mía nguyên liệu ở tỉnh Trà Vinh. Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cả nước có khoảng 100 nhà phân phối đường cấp 1, hàng ngàn đại lý cấp 2 và hàng vạn cửa hàng đại lý cấp 3... Trong số 40 nhà máy đường đang hoạt thì không có nhà máy nào vượt sản lượng 80.000 tấn đường/vụ. Như vậy, những nhà máy đường có năng lực lớn nhất cũng chỉ nắm giữ 5- 6% trên tổng sản lượng đường cả nước. Bên cạnh đó, ngay lúc này hầu hết các nhà máy đường ĐBSCL đang thiếu vốn và tất cả đều phải bán đường để xoay vòng vốn thu mua nguyên liệu thì không thể nói nhà máy đầu cơ đường để nâng giá. Giám đốc Công ty Mía đường Bến Tre, Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Những ngày qua, khi giá vừa tăng nông dân trồng mía lập tức nâng giá nguyên liệu, gây khó khăn cho nhà máy”. Hiện giá mía 10 chữ đường ở ĐBSCL đã vọt lên từ 920 - 950 đồng/kg, có nơi đến 1.050 đồng/kg, thậm chí 1.200 đồng/kg... Tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre thương lái tranh giành nhau mua mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, rất bức xúc: Nhà máy đầu tư 27 tỉ đồng để bao tiêu 2.500 ha mía nguyên liệu, thế nhưng đến thời điểm này thì số diện tích mía đã đầu tư đang bị các thương lái tranh mua. Nhà máy nằm ngay trên vùng nguyên liệu đang vào vụ thu hoạch nhưng mía không về nhà máy mà lại được các thương lái chuyển sang các nhà máy ở Hậu Giang và Kiên Giang... Với tình trạng tranh giành mía nguyên liệu quyết liệt như hiện nay thì nhiều khả năng kế hoạch sản xuất 280.000 tấn đường trong vụ này của công ty sẽ phá sản. Tại Bến Tre, công ty mía đường tỉnh này cho biết, cố lắm chỉ hoàn thành khoảng 90% kế hoạch. Dự báo, vụ mía năm nay sẽ kết thúc vào tháng 3-2010, sớm hơn 1 tháng so năm trước, do không đủ mía. Trước diễn biến khó lường của giá đường, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương đã họp khẩn với các nhà máy đường, Hiệp hội các nhà bán lẻ tìm biện pháp bình ổn giá đường. Theo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản & Nghề muối, gần như cả 40 nhà máy đường trên cả nước trong niên vụ 2008 - 2009 đều thiếu nguyên liệu sản xuất. Do vậy, sản xuất đường của cả nước chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu dùng khoảng 1,3 triệu tấn. Đây là nguyên nhân khiến giá tăng. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần yêu cầu, các nhà máy ổn định giá đường bằng việc cam kết không bán với giá cao hơn giá thế giới. Nếu không điều hành được, các nhà máy vẫn bán đường giá quá cao, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nhập đường thương mại để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh nguyên liệu mía cũng xuất phát từ cách tính phổ biến của nhà máy đường hiện nay là 11 kg mía nguyên liệu sản xuất được 1 kg đường thành phẩm, giá đã đạt mức 12.000 đồng/kg. Cộng thêm chi phí lương, xăng dầu... giá thành một ký đường hiện nay khoảng 14.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Các nhà máy đường bán buôn khoảng 16.000 đồng/kg, qua các khâu trung gian (đại lý cấp 2 và cấp 3), giá đường bán ở các chợ vượt mức 20.000 đồng/kg. Giá đường tăng cao như hiện nay đã mang lại lợi nhuận rất cao cho người trồng mía. Tình trạng dẫn đến khan hiếm nguyên liệu, các nhà máy tranh mua, tạo điều kiện cho giá mía tăng mạnh là do trong những năm qua còn nhiều nhà máy đường bỏ ngỏ vùng nguyên liệu, không đầu tư. Để đến bây giờ thiếu mía, giá tăng đây cũng là một qui luật chịu sự tác động theo cơ chế thị trường. Ở các vùng mía đang thu hoạch như Trà Vinh, Sóc Trăng nhiều nông dân trồng mía đạt năng suất 100 tấn/ha, lời trên 50 triệu đồng/ha... Hiện tại, nhiều nông dân đang cải tạo vườn tạp mở rộng diện tích trồng mía đã kéo giá mía giống lên 1.400 đồng/kg...

Báo Cần Thơ
Báo cáo phân tích thị trường