Kết thúc năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả nước đã đạt 15,4 tỉ USD. Trong đó riêng nông sản đạt trên 8 tỉ USD, thủy sản khoảng 4 tỉ USD, lâm sản gần 2,6 tỉ USD...
Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đã vượt dự kiến hồi đầu năm 12 tỉ USD và chỉ tiêu được giao là 14 tỉ USD. Nhiều mặt hàng nông sản của VN dẫn đầu thế giới về sản lượng như gạo, tiêu, điều, cà phê...
Tuy nhiên, điều nghịch lý đến không thể chấp nhận được và đang là một thực tế đau nhói ngay thị trường trong nước là: VN đang nhập khẩu hầu hết các loại nông sản mà chính chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất được, thậm chí có loại đang là thế mạnh.
Nhập từ ngô, sắn, cỏ khô...
|
“Để hàng nông sản kém chất lượng của nước ngoài ào ạt nhập vào thị trường nội địa, thậm chí hoa quả các nước khác đội lốt hoa quả VN và bày bán tại VN là không thể chấp nhận được”. Ông Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) |
|
"Thực trạng đáng buồn này bắt nguồn từ chính sự yếu kém của nền sản xuất, kinh doanh nông sản nước ta, yếu kém về quản lý, yếu kém về sản xuất, yếu kém về tổ chức phân phối chứ không phải do quá trình hội nhập gây ra". PGS-TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại |
|
Cả nước có đàn bò sữa gần 200.000 con, nhưng chúng ta lại nhập khẩu đến 80% nguyên liệu sữa với kim ngạch hằng năm xấp xỉ 500 triệu USD.
Chúng ta sản xuất trái cây, nhưng thị trường trong nước lại tràn ngập trái cây cùng chủng loại của Trung Quốc (TQ), Thái Lan... Rau quả nhập khẩu vào VN nhiều nhất là TQ với kim ngạch hằng năm đến 150 triệu USD, chiếm tới 59% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước trong năm qua.
Nấm, cà chua, bắp cải, cải thảo, đậu Hà Lan... những mặt hàng đang là thế mạnh của VN, lại chính là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường TQ. Thị trường VN cũng nhập rất nhiều nông sản của Thái Lan với kim ngạch nhập khẩu đạt trên 45 triệu USD hằng năm. Ngoài rau, Thái Lan còn là thị trường cung cấp rất nhiều hoa và trái cây cho VN.
Chúng ta cũng trồng ngô, hoa màu với diện tích lớn, nhưng đáng buồn là hằng năm vẫn phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn, cỏ khô... Năm 2009, VN nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ 25 thị trường chính, nhiều nhất từ Argentina, Ấn Độ, TQ, Hoa Kỳ.
Nước ta đang hình thành ngành chế biến thức ăn gia súc, với một số nhà máy đã ra đời tại ĐBSCL. Ngô trong nước cũng có sức cạnh tranh rất tốt đối với ngô nhập khẩu vì chất lượng cao hơn hẳn. Tuy vậy vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn vì "sản lượng trong nước chưa đủ".
Chúng ta cũng có nhiều sắn nhưng sắn dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chỉ chiếm có khoảng 15%-20% vì "độ đạm ít", còn lại chủ yếu dùng để phục vụ các nhà máy sản xuất mì chính (bột ngọt) và xuất khẩu sắn lát sang TQ.
Còn về các nguyên liệu khác như bột cá, mặc dù có bờ biển dài hơn 3.200 km nhưng VN chưa có nhiều loại bột cá đạt tỷ lệ đạm trên 60% và hệ thống thu gom cũng khó khăn, chưa hình thành rõ rệt vùng nguyên liệu dùng làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Do đó, hằng năm chúng ta vẫn phải nhập bột cá của Peru.
Ngay cả các loại nguyên liệu bổ sung như lyzin, methionime, triptophan, DCP, khoáng... chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng nguyên liệu đưa vào làm thức ăn chăn nuôi cũng phải nhập khẩu.
Đến tỏi, hành, me, ớt...
...Và ra cả lề đường - Ảnh: D.Đ.M
|
Điều đáng buồn nhất là VN đang nhập hầu hết các chủng loại nông sản và thực phẩm chế biến, kể cả những loại vặt vãnh nhất. Chỉ riêng các loại củ, tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2009 lên đến 65,8 triệu USD, tăng 11,5% so với năm 2008.
TQ vẫn là thị trường xuất khẩu nhiều loại củ lớn nhất vào VN với kim ngạch đạt trên 37 triệu USD, tăng 19,3% so cùng kỳ 2008, trong đó nhiều nhất là... hành và tỏi. Kim ngạch nhập khẩu tỏi của VN năm 2009 lên tới 12,04 triệu USD, nhập khẩu hành là 11,03 triệu USD.
Ngay cả Campuchia cũng là nước xuất khẩu các loại củ vào VN với số lượng lớn, chủ yếu là sắn nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột. Trong số các loại củ nhập khẩu thì sắn lát khô chiếm ưu thế tuyệt đối về kim ngạch. Trong năm 2009, các loại củ nghệ, củ cải tươi, củ cải muối, củ mã thầy (củ năng) đều có kim ngạch nhập khẩu tăng gấp 2-3 lần so với năm trước.
Dịp giáp Tết chính là thời điểm hàng nông sản nước ngoài "đổ bộ" vào VN. Tại TP.HCM, siêu thị bày bán từ gạo Thái, Nhật Bản, gạo Mỹ... cho đến những thứ vặt vãnh như mận, tắc, quýt, me (Thái Lan); nấm đùi gà, nấm linh chi trắng (TQ), kim chi, ớt... (Hàn Quốc).
Theo Ban quản lý cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), hiện đang là thời điểm trái cây TQ ồ ạt tràn qua VN. Ước tính, mỗi ngày có hàng chục tấn trái cây được làm thủ tục nhập khẩu. Riêng ở cửa khẩu Lào Cai, trung bình mỗi ngày có tới 400 tấn rau, củ, quả các loại nhập khẩu, trong đó khoảng 40% là hồng, xoài, lê, táo, cam, quýt, ổi...
Không thể chấp nhận! Ông Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), bộc bạch: "Là người dân ở một đất nước nông nghiệp với trên 70% dân số sống ở nông thôn, vào siêu thị thấy hàng nông sản nước ngoài tràn ngập, trong đó có nhiều mặt hàng chúng ta cũng sản xuất được và có chất lượng tốt hơn tự nhiên tôi có cảm giác tự ái, se lòng. Và là dân làm nông nghiệp, tôi cũng cảm thấy có lỗi". Theo ông Bình, để hàng nông sản kém chất lượng của nước ngoài ào ạt nhập vào thị trường nội địa, thậm chí hoa quả các nước khác đội lốt hoa quả VN và bày bán tại VN là không thể chấp nhận được. "Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ việc chúng ta chưa xây dựng và triển khai tốt các hàng rào kỹ thuật mà WTO cho phép đối với nông sản nhập khẩu, ngăn chặn các hàng kém chất lượng từ nước ngoài tràn vào. Có những mặt hàng nông sản chúng ta không thể cạnh tranh nổi tại thị trường trong nước là điều đương nhiên, nhưng hiện nay có những sản phẩm chúng ta có nhiều tiềm năng, chất lượng tốt hơn nhưng vẫn phải chào thua trước hàng hóa của các nước khác ngay trên sân nhà thì đúng là không thể chấp nhận được. Điều này chỉ có thể giải thích bởi khâu tổ chức sản xuất của chúng ta chưa tốt, tiếp thị chưa tốt, chưa tạo cho người tiêu dùng có cơ hội nhận biết đây là hàng VN", ông Bình phân tích. |