Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng Nai – Những nỗi lo từ tăng giá thức ăn gia súc
25 | 01 | 2010
Những ngày gần tết bà con nông dân ra sức tăng cường chăn nuôi để có hàng phục vụ dịp tết nguyên đán. Nhưng có lẽ niềm hi vọng này không được trọn vẹn cho lắm khi những ngày gần đây giá thức ăn chăn nuôi luôn có những biến động tăng giá làm ảnh hưởng tới túi tiền của nhà nông..

Chỉ tính trong thời gian hơn 1 tuần qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giá người nông dân phải trả để mua thức ăn hỗn hợp cho heo và cám công nghiệp cho gà tăng đồng loạt 4000đ/bao/25kg với tất cả các sản phẩm. Cùng với đó giá thức ăn đậm đặc cho heo cũng tăng đồng loạt với mức tăng là 5000đ/bao/25kg. Đó là chưa kể đến giá cả thức ăn gia súc đã có những mức tăng trong thời kỳ trước đó. Cụ thể là chỉ tính từ đầu tháng 12/2009 đến nay đã hơn 3 lần thức ăn chăn nuôi tăng giá. Trong hoàn cảnh này nếu việc giải ngân của ngân hàng bị chậm lại thì nhiều hộ nông dân khó mà xác định được phương hướng trong kế hoạch chăn nuôi của mình.



Trong khi đó gía bán heo hơi thường và heo hơi nạc tăng không đáng kể, thậm chí là không tăng.. Gía bán tại các hộ gia đình ko tăng và vẫn dao động ở mức khỏang 31000 -34000đ/kg, tại các lò mổ giá mua vào khoảng từ 32000 -35500đ/kg, giá thịt ở các siêu thị không thay đổi, tùy từng loại thịt khác nhau mà mức giá dao động trong khoảng từ 67,7 đến 80k/kg. Các hộ chăn nuôi cá tra cũng lâm vào tình cảnh hao hụt tiền lời thậm chí là thua lỗ khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục leo dốc trên thang giá.



Với tình hình biến động giá thức ăn chăn nuôi như trên mà giá đầu ra không có sự gia tăng để bù đắp tương ứng thì người chăn nuôi là những người chịu thiệt thòi lớn.

Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng là những người đau đầu trước những biến động tăng giá. Gía nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài. Với tác động của tăng giá nguyên liệu đầu vào do tình hình chung trên thị trường thế giới và sự biến động tăng của tỷ giá USD thời gian vừa qua đã làm cho chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp tăng lên. Ông Phạm Đức Bình – Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết “Sau lần thay đổi biên độ tỷ giá USD và tiền đồng hồi cuối tháng 11 năm 2009 vừa qua, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải mua USD chênh lệch so với giá niêm yết của ngân hàng đến 1.000đ/USD chứ không phải mấy trăm đồng như trước nữa). Tình trạng thay đổi tỷ giá làm cho chi phí sản xuất tăng trong khi giá các đơn đặt hàng doanh nghiệp bán cho những khách hàng ruột đã được đặt trước cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp phải khốn đốn. Và cứ đà này thì người chịu những thiệt thòi cuối cùng là người nông dân và những nông trại chăn nuôi.

Bên cạnh đó những thay đổi về chính sách cũng có những tác động không nhỏ đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân. Cụ thể là bắt đầu từ ngày 01/01/2010 thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính thức được áp dụng với mức thuế như sau: Bắp, bột cá, bột xương thịt, cám mỳ tăng từ 0% đến 5%, bột mỳ tăng từ 10% lên 15%, dầu cá tăng từ 5% lên 7%...Mức thuế này đã áp dụng chủ yếu vào các nhóm nguyên liệu thiết yếu. Đứng trước tình hình này cộng với việc nguyên liệu trong nước còn quá ít chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước thì việc giảm giá thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi ở các trang trại, hộ gia đình là rất khó thực hiện ngay được.

Như vậy, muốn thực hiện được mục tiêu trước mắt và lâu dài, giúp cho người chăn nuôi giảm bớt khó khăn do gánh nặng tăng giá thức ăn chăn nuôi gây ra thì các bộ ngành liên quan đặc biệt là các Bộ, ngành nông nghiệp cần sớm có những biện pháp thực hiện trong giai đoạn này để giảm bớt gánh nặng giá cho người dân như: mở rộng đầu tư cho các vùng trồng cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như: Ngô, đậu tương, các loại cây lương thực. Đồng thời hạn chế gánh nặng từ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu từ ngành chăn nuôi của nước nhà mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường