Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Một số hợp đồng mua bán gạo bị hủy - Không ảnh hưởng xuất khẩu
26 | 01 | 2010
Ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Nông thôn ngày nay hôm qua 25-1

Vì sao bị hủy hợp đồng
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, từ tháng 11-2009 đến nay đã có khá nhiều hợp đồng mua bán gạo bị hủy, số lượng lên đến vài ba trăm ngàn tấn. Theo giải thích của các doanh nghiệp này, nguyên nhân do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, khách hàng không tìm được đầu ra để bán gạo sau khi đã trot ký hợp đồng với doanh nghiệp VIệt Nam. Ngoài ra, cũng có hợp đồng bị doanh nghiệp trong nước tự hủy do phải mua giá gạo nguyên liệu đầu vào cao hơn giá ký bán trước đó cho khách hàng.

Trao đổi với Nông thôn ngày nay về thông tin này, ông Phạm Văn Bảy thừa nhận, có một số hợp đồng xuất khẩu gạo đã không thực hiện được. Tuy nhiên, đó là những hợp đồng có giá trị nhỏ, nên không tác động nhiều tới tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2010. Theo ông, cần nói rõ các hợp đồng xuất khẩu gạo hiện chia làm 2 dạng, một là hợp đồng tập trung hay còn gọi là hợp đồng Chính phủ, loại 2 hợp đồng thương mại chiếm rất ít. Trong tổng giá trị là 2,6 triệu tấn gạo đã ký thì hợp đồng tập trung chiếm tỉ trọng lớn. Một vài hợp đồng thương mại hiện đang gặp khó khăn, đặc biệt với thị trường châu Phi, lý do chính là các doanh nghiệp nhập khẩu không tìm được thị trường tiêu thụ.

Cũng theo ông Bảy, trong thời gian tới, nhiều khả năng đầu ra cho các hợp đồng xuất khẩu gạo dạng thương mại vẫn sẽ trầm lắng, nguyên nhân vì giá gạo thế giới đã lên cao. Và tại châu Phi, phải đợi đến hết quý II mới có được thông tin chính xác vì thời điểm này đang là cuối năm tài chính của các nước viện trợ. Bởi vậy, giải pháp trước mắt của VFA và doanh nghiệp thành viên là tập trung tìm thị trường tiêu thụ mới như Iraq, Ấn độ. “CHúng tô đang theo dõi sát diễn biến tại thị trường này, mặc dù đến nay họ tuyên bố vẫn chưa nhập khẩu gạo. Nhưng nếu Ấn độ nhập gạo, nhiều khả năng sẽ mua gạo của Việt Nam và Thái Lan, do chất lượng gạo tốt, ổn định” – ông Bảy nói.

Đủ gạo cho xuất khẩu
Theo Bộ NN&PTNT, hiện naym ngoài lượng gạo tồn kho năm 2009 chuyển sang khoảng 1,4-1,5 triệu tấn, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa từ vụ đông xuân ở ĐBSCL, cùng với khoảng 2,4 triệu tán gạo từ vụ hè thu và vụ 3 dành cho xuất khẩu.
Theo ông Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia), mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về thu hoạch lúa trước Tết âm lịch tại ĐBSCL, nhưng dự báo diện tích thu hoạch vào khoảng 200.000ha, tập trung tại các tỉnh ven biển, khu gò cao. Như vậy, một lượng gạo nhất định trước tháng 3 vụ đông xuân sẽ được cung ứng ra thị trường, điều này khiến cho giá gạo giữ ổn định ở giá cao, dù ảnh hưởng mạnh bởi nhu cầu tiêu dung trong dịp Tết.

Theo ông Phụng, việc thắng thầu khối lượng gạo xuất khẩu thời gian gần đây giúp cho người nông dân bán được gạo với giá tốt có lợi cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Giá doanh nghiệp thu mua lúa tươi vụ đông xuân hiện nay tại Đồng Tháp là 5000-5500đ/kg.

Như vậy, có thể đánh giá nguồn cung cơ bản ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, cũng như đảm bảo cho kế hoạch xuất khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng hạt gạo ở cả loại gạo thường và gạo cao cấp, quy hoạch trồng lúa sạch ngay từ bờ ruộng cũng như làm mẫu mã bao bì đẹp và vệ sinh nhằm đón trước nhu cầu ăn gạo ngon của các thị trường châu Á, châu Phi. Và quan trọng hơn là cần đẩy mạnh xúc tiến bán gạo trực tiếp tới bên mua, giảm tối thiểu bán gạo qua công ty trung gian.

“Sang năm 2010, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được nhiều hợp đồng mới, khoảng 2,38 triệu tấn gạo, ở mức giá 480-664,9 USD/tấn. Và ngay trong quý I/2010, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 1,47 triệu tấn gạo. Theo dự báo, lượng gạo hàng hóa năm 2010 có khả năng đạt gần 7 triệu tấn, tương đương năm 2009, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng đạt hơn 3 tỷ USD."



Nguồn: Báo Nông thôn Ngày nay
Báo cáo phân tích thị trường