Họ cũng đang chờ đợi quyết định từ phía các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về việc thanh tra nghiêm ngặt và quyết liệt đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu trong tương lai.
Nhiều người nuôi cá da trơn ở Hoa Kỳ như ông Lowery tin rằng cơ chế kiểm tra chặt chẽ này rất quan trọng đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ. Họ khẳng định việc thanh tra không phải là một trong những biện pháp ngăn cản nhập khẩu hàng hóa từ Châu Á để dành lợi thế cho các nhà sản xuất cá da trơn Hoa Kỳ, mà là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Ông Lowery cho biết Hoa Kỳ đã nhập khẩu hơn 5 tỷ pao thủy sản trong năm 2009. Tuy phụ trách giám sát việc nhập khẩu thủy sản, nhưng Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ kiểm tra 2% trong tổng số giá trị nhập khẩu.
Ông Lowery đã nghi ngờ và đặt câu hỏi: “Hai phần trăm ư? Vậy những sản phẩm nào đã được thông quan? Mọi người đều biết rằng lô hàng nhập khẩu từ châu Á đã bị từ chối vì nhiễm các loại hóa chất và chất kháng sinh. Vậy mà chúng ta chỉ nhìn vào 2%? Nếu các lô hàng bị kiểm tra có nhiễm độc, chúng sẽ bị trả lại. Vậy khi bạn chỉ kiểm tra 2% trong số đó, nghĩa là rất nhiều lô hàng còn lại sẽ được thông quan. Đó là vấn đề chính.”
Sau một thời gian dài các nhà sản xuất cá da trơn phàn nàn và thỉnh thoảng từ chối các lô hàng nhập khẩu từ châu Á, các chính trị gia miền Nam Hoa Kỳ đã thử phương sách mới là viết ra một đạo luật nông nghiệp. Đạo luật này quy định trách nhiệm thanh tra hàng thủy sản được chuyển từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). USDA hiện vẫn đang kiểm tra nghiêm ngặt các sản phẩm thịt gia cầm, thịt bò và ngành công nghiệp sản xuất sữa. Các nhà sản xuất cá da trơn Hoa Kỳ rất hoan nghênh việc kiểm soát nghiêm ngặt này.
Thượng nghị sỹ Blanche Lincoln của bang Arkansas và Thai Cochran của bang Mississipi viết trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack hồi tháng 10/2009: ”Đạo luật Nông nghiệp năm 2008 khẳng định cá da trơn dù nuôi ở trong nước hay nhập khẩu cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của USDA, hay ít nhất cũng đảm bảo những tiêu chuẩn đã áp dụng với thịt bò và thịt gia cầm. Cũng giống như các bạn, chúng tôi tán thành việc đảm bảo sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng Mỹ.”
Mặc dù luật mới được ban hành và Quốc hội đã có một số tác động, USDA vẫn chưa tiến hành thanh tra thuỷ sản. Sau khi nghiên cứu đạo luật mới, USDA đã gửi một bản khuyến cáo tới Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB). Tuy nhiên, sau đó không ai biết thêm thông tin nào. Thậm chí các nhà lãnh đạo ngành nuôi trồng thủy sản không hề biết chính quyền Hoa Kỳ đang chống đỡ thế nào với vấn đề này.
Lowery nói:”Hiện, OMB đang hành động. Đó là tất cả những gì chúng ta biết. Nếu họ kéo dài hành động tới 45 ngày sau, và tôi giả sử gia hạn này đã được phê duyệt, chắc hẳn đến tháng Hai họ mới đưa ra quyết định. Nếu họ không gia hạn thì cuối năm 2009 vừa rồi chúng ta đã có thông tin về vấn đề đó rồi.”
Có rất nhiều lo sợ về việc các nước châu Á có thể trả đũa Hoa Kỳ nếu USDA tiến hành thanh tra nuôi trồng thủy sản.
Lowery nói :”Hiện có tin đồn về việc Việt Nam sẽ đe dọa nhập khẩu thịt bò của Hoa Kỳ nếu luật về cá da trơn được thông qua.” Tuy nhiên ông Lowery không lo ngại trước những đe dọa đó. “Theo tôi, không có vấn đề gì phải lăn tăn khiến Hoa Kỳ giảm thiểu những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm”.
Lowery đã đưa ra dẫn chứng về việc các lô hàng thủy sản nhập khẩu có chứa hoá chất. Châu Âu và các quốc gia Trung Đông cũng đã từ chối các lô hàng thủy sản của châu Á. Gần đây, các nhà cầm quyền bang Alabama đã tìm thấy chất fluoroquinolones và nhóm các chất kháng sinh với mức rủi ro cao trong cá da trơn nhập khẩu.
Lowery đã giải quyết khiếu nại của các nhà sản xuất cá da trơn Hoa Kỳ như thế nào khi họ nỗ lực cấm nhập khẩu cá châu Á? Ông khẳng định: “Chúng tôi không cố gắng cấm. Đây không phải là vấn đề gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất châu Á mà là bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ.
“Hiện cũng có nhiều bằng chứng cho thấy có rất nhiều sản phẩm cá không an toàn xâm nhập vào Mỹ. Nhưng chúng tôi đang tập trung vào cá da trơn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi”.
“Nếu không phải là chúng tôi, thì người Mỹ cũng sẽ nhận ra sự lỏng lẻo trong viêc thanh tra các sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Không có nghi ngờ nào về việc nếu mọi thứ vẫn đi theo lối mòn, nhận thức về ‘sản phẩm không an toàn’ sẽ bị gắn vào sản phẩm nội địa. Khi đó, tôi nghĩ mọi người đều lo ngại khi tiêu dùng bất kỳ loại cá da trơn nào. Điều này thật tồi tệ khi những người sản xuất cá da trơn Hoa Kỳ có thể bị kết tội về những điều mà họ không gây ra.”
“Không có vấn đề gì nếu Việt Nam xuất khẩu sản phẩm của họ sang Hoa Kỳ. Nhưng họ phải tuân thủ các tiêu chuẩn như đã áp dụng đối với các nhà sản xuất Hoa Kỳ.”
“Tôi cam đoan với các bạn: nếu thanh tra Hoa Kỳ tìm thấy những chất độc tương tự trong cá da trơn nội địa mà hiện nay đang là nhân tố cản trở việc nhập khẩu từ châu Á, ngành công nghiệp của đất nước này sẽ bị đóng cửa.