Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lao động “nhấp nhổm”
01 | 03 | 2010
“Di cư ngược” là hiện tượng mà các chuyên gia về phát triển nông thôn ghi nhận được trong thời gian qua, khi đông đảo lao động mất việc ở thành phố do suy giảm kinh tế đã trở về nông thôn để “trú ẩn”. Đằng sau hiện tượng này là gì?

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS VŨ TRỌNG BÌNH (giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - IPSARD) về vấn đề nêu trên. TS Vũ Trọng Bình nói:

- Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, nhiều lao động từ chỗ di cư ra thành phố để tìm việc làm đã phải quay về với đồng ruộng (nghiên cứu của IPSARD tại bốn tỉnh Lạng Sơn, Nam Định, Bình Thuận và An Giang trong những tháng đầu năm 2009 cho thấy đã có 21,7% lao động di cư mất việc phải trở về địa phương, 17,2% lao động xuất khẩu phải về nước trước thời hạn - PV).

Điều đáng nói là không phải tất cả những lao động về quê đều tìm được việc làm (theo nghiên cứu nêu trên, chỉ có 11,3% lao động tìm được việc làm khi về địa phương), do đó trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, nhiều lao động “di cư ngược” trước đó nay tiếp tục trở lại thành phố tìm kiếm việc làm mới.

* Việc chủ động di cư để tìm kiếm việc làm phần nào cho thấy tính linh hoạt của người lao động, nhưng có vẻ như ông lại tỏ ra quan ngại vì sự “linh hoạt” này?

"Thật ra việc “ngược” hay “xuôi” với nhiều lao động đôi khi chỉ là một chuyến xe, một chuyến tàu. Vấn đề chính là dù “di cư ngược” hay “di cư xuôi” thì tính ổn định của nhóm lao động này rất thấp"

- Trong thời đại ngày nay, di cư từ nông thôn ra đô thị, từ vùng này sang vùng khác, từ nước này sang nước kia hoặc ngược lại là hoàn toàn bình thường. Chúng ta chỉ cần nắm được hiện tượng để dự báo. Vấn đề chính như tôi nói ở trên là làm sao đảm bảo cho người lao động một sự ổn định tương đối. Vì khi lao động từ nông thôn ra thành thị mà hòa nhập được người ta mới bán tài sản, đất đai của mình ở nông thôn để yên tâm xây dựng cuộc sống mới.

Lúc đó những người ở lại với ruộng đồng mới có điều kiện tích lũy đất đai nhằm xây dựng nông thôn, nếu họ chỉ thuê mượn đất đai của những người đã di cư trong thời gian ngắn thì sản xuất lại không ổn định. Hiện nay lao động di cư không bán đất đai ở quê vì cuộc sống mới của họ ở đô thị rất bấp bênh, thành ra trong xã hội hiện có một bộ phận rất lớn những người lao động không hẳn là ở nông thôn cũng chẳng phải thành thị.

Chính vì không ổn định nên người ta rất khó xác định định hướng nghề nghiệp.

Ví dụ một nông dân lên thành phố làm công nhân được mấy tháng, mất việc người đó bèn về quê làm ruộng ít tháng rồi lại khăn gói lên thành phố kiếm việc mới. Như vậy người này mặc dù không còn gắn bó với đồng ruộng nhưng cũng chẳng trở thành công nhân chuyên nghiệp được. Với nhóm lao động “lơ lửng” này, chúng ta nói là xây dựng nông dân kiểu mới cũng khó mà xây dựng công nhân hiện đại cũng không được.

* Như vậy, với nhiều lao động thì nông thôn thật ra chỉ là vùng đệm để khi gặp khó khăn ở thành phố họ sẽ quay về chờ cơ hội mới?

- Trong hơn mười năm qua, lúc nào đất nước có khó khăn về kinh tế thì nông nghiệp luôn là giá đỡ quan trọng, năm 2009 cũng vậy. Với đông đảo người lao động, nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò như một bộ “giảm sốc”. Thực tế nhiều lao động nông thôn ra thành phố chỉ có thể làm lao động phổ thông, trong đó có bao nhiêu lao động được đóng bảo hiểm? Nhiều khi nếu có tai nạn xảy ra, chủ lao động thương thì họ được đền bù vài triệu đồng, không thì thôi. Còn với bảo hiểm thất nghiệp thì chúng ta mới triển khai.

Vì vậy ruộng đất ở quê nhà chính là bảo hiểm đối với lao động di cư. Điều này đã tạo ra một thế giằng co rất khó gỡ, nếu tôi là lao động di cư thì tôi cũng không bán ruộng đất ở quê để “phòng thân”. Như vậy khi có những vấn đề ảnh hưởng đến việc làm ở thành phố thì việc xuất hiện dòng “di cư ngược” là điều dễ hiểu.

Người lao động dự phỏng vấn tuyển dụng việc làm tại Đà Nẵng - Ảnh: Quốc Nam

* Đâu là hệ quả từ thực tế tồn tại nhóm lao động “lơ lửng” như ông phân tích ở trên?

- Thực tế này tạo ra bất cập cho quá trình phát triển. Những nông dân lên thành phố làm công nhân đều ở lứa tuổi thanh niên, nhiều người trong số họ không xác định trở thành công nhân chuyên nghiệp. Ví dụ rõ nhất là trước tết năm nay cũng như các năm trước, công nhân ào ào về quê nhưng sau tết nhiều người trong số họ không trở lại nhà máy và doanh nghiệp phải vất vả tìm kiếm công nhân mới.

Có những lao động đi làm ở khu công nghiệp đôi khi chỉ vì theo bạn bè cho vui, nếu Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM... rộng cửa cho họ thì có thể họ sẽ gắn bó với việc làm mới. Nhưng nhiều khó khăn đã chờ đón họ không chỉ về việc làm, thu nhập mà còn là những rào cản về nhập cư, về hộ khẩu, sự phân biệt giữa những lao động có hộ khẩu thành phố và lao động đến từ nông thôn... Ở thành phố không được, nhưng về quê làm nông dân thì họ cũng “nhấp nhổm”, vì ở quê nay đã đất chật người đông.

* Đề ra các chính sách để khuyến khích người lao động “ly nông bất ly hương” cũng là một giải pháp để giảm bớt sức ép nhập cư vào các thành phố lớn, nhưng dường như lâu nay việc này chúng ta làm chưa được bao nhiêu?

- Vấn đề ở đây là làm thế nào tạo ra công ăn việc làm phi nông nghiệp ngay tại nông thôn, muốn vậy phải có mạng lưới đô thị nhỏ trong nông thôn, đó là các thị tứ, thị trấn nơi có hạ tầng tốt với các cụm công nghiệp nhỏ, các dịch vụ liên quan hoạt động mạnh. Hiện đang có một bất cập là chúng ta cho phép đặt nhà máy ngay tại các làng, trong khi lẽ ra công nghiệp, dịch vụ phải được quy hoạch theo chuỗi đô thị chứ không thể đặt lẫn lộn vào sản xuất nông nghiệp. Nói đến “ly nông bất ly hương” cũng là nói đến đào tạo nghề, phát triển các làng nghề. Đây là một vấn đề lớn cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Cái chính là phải lắng nghe tín hiệu của thị trường.

Tôi lấy ví dụ như đào tạo cho nông thôn đang nặng về đào tạo cán bộ quản lý, chẳng hạn nhìn vào các trường sẽ thấy đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học về nông nghiệp, nông thôn mà hiếm có đào tạo nông dân. Hay thành phố đang có nhu cầu lớn những người giúp việc nhà chuyên nghiệp, nhưng việc đào tạo để đáp ứng nhu cầu này chưa được làm một cách bài bản.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường