Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đi học lại nghề nuôi cá tra, basa
03 | 03 | 2010
Cuộc họp cuối cùng của chương trình Đối thoại nuôi cá tra - basa (PAD – Pangasius Aquaculture Dialogue) sẽ diễn ra vào ngày 4 đến 5.3.2010 tại Cần Thơ. Tiến sĩ Flavio Corsin - điều phối viên của quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên WWF nhận định: "Nhu cầu đối với cá tra - basa trên các thị trường là rất lớn, nhưng cái còn thiếu ở những thị trường này chính là các sản phẩm cá tra - basa có nhãn mác thân thiện môi trường. Những tiêu chuẩn được đề ra từ Đối thoại nuôi cá tra - basa sẽ là cách tốt nhất để bổ sung cho sự thiếu hụt này".

Cá tra, basa là nguồn lợi xuất khẩu quan trọng của Việt Nam

Xây dựng bộ tiêu chuẩn nuôi cá tra - basa

Tiến sĩ Flavio Corsin khẳng định: nuôi cá tra – basa (Pangasius) là một trong những hình thức nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh nhất trên thế giới. Sự bùng nổ về công nghiệp thủy sản nuôi cá tra – basa không chỉ đặt ra nhiều thách thức cho nghề nuôi mà còn đe dọa vấn đề sức khỏe tiêu dùng và an toàn môi sinh.

Qua Đối thoại, tiến sĩ Mohammad Mahfujul Haque (khoa Nuôi trồng thủy sản, trường đại học nông nghiệp Bangladesh), điều phối viên nhóm hỗ trợ kỹ thuật của Đối thoại, đánh giá: “Chúng tôi đã nhận được nhiều đề xuất trong suốt tiến trình Đối thoại, điều này chứng tỏ mọi người nhận thấy nhu cầu thiết thực phải có một bộ tiêu chuẩn về nuôi cá tra - basa". Với tính chất cấp thiết như vậy, ông cho biết, bản tiêu chuẩn cuối cùng được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong vòng 2 tháng sau cuộc họp của Đối thoại lần này. Theo ông, nông dân nuôi cá quy mô nhỏ ở Việt Nam và Bangladesh sẽ là những người trực tiếp bị ảnh hưởng từ bản tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, tất cả những tiêu chuẩn có được từ cuộc Đối thoại sẽ được sửa đổi định kỳ để phản ánh những thay đổi trong khoa học và công nghệ, cũng như để khuyến khích sự sáng tạo và sự cải thiện liên tục.

Bản tiêu chuẩn Đối thoại nuôi cá đầu tiên - áp dụng cho loài cá rô phi - đã được công bố hồi tháng 12.2009. Những bản tiêu chuẩn của 5 Đối thoại khác được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào năm 2010. WWF đã điều phối Đối thoại về nuôi thủy sản, gồm 8 Đối thoại bàn tròn gồm đa thành phần liên quan với trên 2.000 thành viên tham gia.

Những bộ tiêu chuẩn về nuôi cá tra, basa sẽ được áp dụng đầu tiên tại Việt Nam

Nhu cầu cấp thiết

Năm 2007, WWF khởi xướng chương trình Đối thoại nuôi cá tra – basa nhằm xây dựng các tiêu chuẩn nuôi hướng tới hạn chế những ảnh hưởng xấu về môi trường cũng như xã hội do phát triển nghề nuôi các loài thủy sản này. 17 tổ chức của Việt Nam và quốc tế đã cử thành viên tham gia ban chỉ đạo điều hành Đối thoại.

Tại kỳ họp Đối thoại lần thứ nhất (TP.HCM, tháng 9.2007) với hơn 400 đại diện là các quan chức chính phủ, nhà sản xuất, kinh doanh và các tổ chức, cá nhân của nhiều quốc gia tham dự, PAD nhận định: cá tra - basa là sản phẩm ngày càng phổ biến với người tiêu dùng; nghề nuôi đang phát triển hết sức nhanh chóng. Để đảm bảo tính bền vững của nghề nuôi, an toàn của người tiêu dùng… cần phải duy trì chất lượng và sản lượng. Do vậy, cần thiết phải có một bộ tiêu chuẩn với sự tham gia đóng góp của nhiều thành phần, dựa trên cơ sở đồng thuận, cụ thể và minh bạch hơn. Theo PAD, chủ động hành động hơn là phải đối phó với các vấn đề nảy sinh. Chính vì vậy mà việc xây dựng các tiêu chuẩn cấp chứng nhận cho nuôi cá tra - basa bền vững về mặt môi trường và xã hội là yêu cầu vô cùng cần thiết.

Từ những ghi nhận ban đầu, tại cuộc họp đối thoại lần thứ 2 hồi cuối tháng 3.2008, ban chỉ đạo điều hành Đối thoại công bố: đã xác định 8 vấn đề liên quan cần được giải quyết nhằm hướng tới mục tiêu nuôi cá tra – basa bền vững. Trên cơ sở đó, xây dựng các nguyên tắc ứng xử cho từng vấn đề; xác định các tiêu chí cụ thể thông qua các chỉ báo xác định phạm vi của từng tác động… Từ đó hình thành các tiêu chuẩn mang tính định lượng để đánh giá kết quả đạt được của các nguyên tắc.

Để thích ứng với bộ tiêu chuẩn nuôi cá tra, basa bền vững, người nuôi cá ở ĐBSCL phải đi học lại

Đi học lại nghề nuôi cá

Qua thực tế, PAD cho rằng: các trại nuôi cá ở ĐBSCL hiện tại được xây dựng hầu như không tuân theo quy định về môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm cho khu vực lân cận. Việc quản lý, sử dụng đất và nguồn nước cũng vậy, chưa có sự chú tâm đến sự xuất hiện của các trại nuôi cá khiến cho những sinh cảnh sống nhạy cảm có thể bị phá hủy và dòng chảy của nước thường xuyên bị thay đổi.

Ông Steven Schut, chuyên viên nghiên cứu về các vấn đề xã hội liên quan đến nông hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ, nhận xét: ở ĐBSCL, có nghe nói tới quy hoạch nhưng việc thực hiện chưa sát sao. Không quản lý tốt được vùng nuôi nên đã có quá nhiều chất thải có thể gây ô nhiễm nước và tác động tiêu cực lên hệ động thực vật xung quanh nó. Nếu cá tra – basa thoát khỏi trại nuôi sẽ xung đột với cá tự nhiên và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đặc biệt là các vùng chưa xuất hiện các loài này. Rồi thức ăn chế biến từ các loại cá, dầu cá và cá tạp dùng nuôi cá tra, basa gây cạn kiệt nguồn thức ăn cho các loài cá khác. Hơn nữa, việc cho cá tra – basa ăn cá tạp có thể dẫn đến đánh bắt không bền vững và ô nhiễm nguồn nước. Việc sử dụng bất hợp lý thuốc kháng sinh và các hóa chất ở trại cá có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường…

Những tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở tổng hợp những ý kiến qua các cuộc Đối thoại này sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Quá trình áp dụng bộ tiêu chuẩn do PAD xây dựng bắt đầu từ Việt Nam, vì đây là nước sản xuất cá tra - basa lớn nhất thế giới và là nơi qui tụ các kiến thức chuyên môn về nuôi loài cá này.

Như vậy, để sản phẩm được công nhận và phát triển bền vững nghề nuôi, người nuôi cá tra – basa ở ĐBSCL còn phải làm rất nhiều việc mới có thể thích hợp với những quy chuẩn ràng buộc của PAD.

Bài & ảnh: Ngọc Tùng

Làng nuôi cá bè Châu Đốc - nơi có thế mạnh nuôi cá tra ở miền Tây

WWF (quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) đã làm việc với các Chính phủ và các ngành công nghiệp của sáu quốc gia trong khu vực sông Mekong để bảo tồn và quản lý bền vững 600.000 km2 sinh cảnh rừng và nước ngọt xuyên biên giới.

Mekong là dòng sông có đa dạng sinh học cao nhất trên trái đất, lưu trữ mật độ các loài sinh vật nhiều hơn khu vực Amazon. Mười sáu trong số 200 khu vực sinh thái toàn cầu, khu sinh cảnh mang tầm quan trọng quốc tế về sinh học được tìm thấy ở vùng Mekong mở rộng. Ngoài loài cá heo Irrawaddy, lưu vực Mekong được đánh giá là mái nhà chung của ít nhất 1.300 loài cá bao gồm cá tra khổng lồ - một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới.

Nhóm các nước vùng sông Mekong mở rộng đã cam kết tăng cường cộng tác vì sự phát triển kinh tế nhanh hơn nữa với sự hỗ trợ của ngân hàng phát triển châu Á (ADB).



Báo cáo phân tích thị trường