Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường thế giới giảm, trong nước vẫn sốt
22 | 03 | 2010
Từ mức cao kỷ lục trong 30 năm qua là 740 USD/tấn, giá đường thế giới hiện đã sụt giảm còn 530 USD/tấn. Bộ Công Thương đã tăng gấp đôi hạn ngạch nhập khẩu đường song giá bán lẻ đường tại siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.
Đảo chiều đột ngột

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Võ Thành Đàng cho biết, giá đường thế giới đã giảm mạnh. Lý do chính là các nhà kinh doanh đồng loạt đẩy mạnh bán ra.

Ông Đàng cho rằng, chắc chắn giá đường trong nước sẽ giảm. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất bán tại cổng nhà máy với giá là 15.000 đồng/kg đường trắng. Nông dân sau khi được giá vụ này đang phát triển thêm diện tích mía nguyên liệu nhưng giá đường giảm sẽ kéo giá mía giảm.

Theo các trang tin quốc tế, giá đường giảm do sức mua của Ấn Độ (nước có nhu cầu đường lớn) giảm.

Trong khi đó, nguồn cung đường trên thế giới có thể được cải thiện do Brazil và EU đẩy mạnh bán ra.

Sản lượng đường Brazil trong năm 2010 đạt khoảng 33 triệu tấn và bắt đầu xuất khẩu trong tháng 4-2010.

EU cũng đạt mức xuất khẩu khoảng 1,27 triệu tấn năm 2010.

Điều lo ngại nhất của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước là một lượng lớn quota nhập khẩu đường với mức thuế ưu đãi 5% đã được Bộ Công Thương cấp cho các doanh nghiệp thương mại và sản xuất sữa, bánh kẹo.

Tổng hai đợt cấp quota vừa qua là 200.000 tấn, gấp đôi lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch ưu đãi năm 2009.

Đại diện Tổng Cty Mía đường 1 cho biết, nếu giá đường xuống mức 530 USD/tấn, cộng với 5% thuế nhập khẩu trong hạn ngạch và 5% thuế VAT, chi phí vận chuyển, bảo hiểm thì giá đường nhập khẩu về Việt Nam khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết, Cty vẫn mua mía của nông dân với mức giá đã cam kết là 700.000 đồng/tấn tại ruộng.

"Giá xuống sẽ không thể ảnh hưởng ngay đến thị trường Việt Nam. Giá thế giới luôn biến động, xuống rồi sẽ phải lên bởi nguồn cung không thừa" - Ông Tam tin tưởng.

Năm nay tổng sản lượng đường của Cty là 100.000 tấn, lớn nhất trong cả nước. Giá bán đường Lam Sơn tại cổng nhà máy từ 13.000 đến 15.000 đồng/kg tùy loại đường.

Không lo ngại nhiều về sự cạnh tranh của đường nhập khẩu nhưng ông Tam cũng cho rằng, việc cấp quota cho doanh nghiệp nhập khẩu đường phải hết sức cẩn trọng.

Giá vẫn cao ngất ngưởng

Ngày 18-3, giá đường bán tại Hà Nội vẫn rất cao và chưa có dấu hiệu giảm. Đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, giá đường tinh luyện - Re Biên Hòa bán 21.000 đồng/kg, đường Bourbon Tây Ninh 19.000 đồng/kg; những mức giá này vẫn ổn định từ Tết đến nay. Hiện Big C cũng chưa nhận được đề nghị điều chỉnh giá từ nhà cung cấp.

Tại Siêu thị Hapro ở Kim Liên, đường tinh luyện Re đang bán 19.000 đồng/kg, đường tinh luyện Thành Công 18.000 đồng/kg.

Tại các chợ, điểm bán lẻ đường tại Hà Nội, giá đường vẫn dao động từ 17.500 đến 22.000 đồng/kg, tùy loại. Nhiều tiểu thương cho rằng, đường nhập từ đợt Tết chưa bán hết, nhập với giá cao, nên phải bán giá cũ mới có lãi.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bộ này đã đề nghị các doanh nghiệp được cấp quota ưu đãi phải báo cáo tiến độ nhập và mức giá bán trong nước.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay chưa nắm được số liệu chính thức về việc nhập khẩu của các doanh nghiệp đã nhận quota.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghế muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng thị trường sẽ điều phối.

Giá đường thế giới giảm như vậy, nhưng vấn đề là doanh nghiệp có nhập được về thời điểm này hay không. Bởi giá đường nhập khẩu hàng giao ngay và giá đường nhập mà hàng giao có kỳ hạn sẽ chênh lệch, phụ thuộc thời điểm giao hàng.

"Nhà nước chỉ can thiệp khi giá cao để đảm bảo kiềm chế lạm phát, còn khi giá xuống thì phải để thị trường điều tiết" - Ông Hòa nói.

Trước lo ngại về số quota đã cấp rất lớn, nếu doanh nghiệp nhập về sẽ tác động đến sản xuất trong nước, ông Hòa cho rằng các nhà máy đường thời gian qua đã lãi lớn do giá tăng cao, bây giờ giá xuống họ cũng phải chấp nhận.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường