Mặt khác, đối tượng nào cần được hỗ trợ bởi chính sách này là điều phải cân nhắc thận trọng.
Cần thiết, nhưng phải thận trọng
Là nước xuất khẩu càphê đứng thứ hai thế giới sau Brazil, nhưng Việt Nam lại luôn bị ép giá. Niên vụ 2009 - 2010, lượng càphê giảm gần 30%, chất lượng tốt hơn, nhưng giá lại thấp nhất trong 3 năm qua. Cả hai điều này đều vô lý, trái quy luật. Hậu quả là dù giá thấp, nông dân vẫn phải bán để trả nợ ngân hàng. Trong khi do thiếu vốn, hầu hết các DN chỉ dám mua tới đâu xuất khẩu (XK) tới đó.
Chủ trương tạm trữ 200.000 tấn càphê do Hiệp hội Càphê – cacao Việt Nam đề xuất có ý nghĩa lớn, bởi nó sẽ hạn chế một lượng lớn càphê XK, khiến giá càphê thế giới nhích lên theo quy luật cung – cầu.
Ông Vũ Đức Tiến – GĐ Cty CP XNK càphê Tây Nguyên cho rằng: Chúng ta chậm chân, để lượng càphê bán ra khá nhiều nên mỗi tấn đã mất vài trăm USD, tức giá giảm từ 1.600USD/tấn xuống còn khoảng 1.300USD/tấn. Vì thế, việc thu mua tạm trữ hiện vẫn cần thiết.
Bên cạnh đó, vẫn cần chính sách tín dụng. Cụ thể, DN sẽ được vay vốn ưu đãi, có thể được hưởng lãi suất 0%. Do vậy, DN nào được thu mua tạm trữ, giá mua là bao nhiêu, nông dân được gì là những vấn đề quan tâm.
“Nếu DN vay vốn ưu đãi, mua càphê rồi chờ giá lên để XK kiếm lời thì người trồng càphê chẳng được gì, Nhà nước mất tiền bù lãi suất” – ông Lê Đức Thống - GĐ Cty TNHH một thành viên XNK càphê 2/9 Đắc Lắc phân tích. Còn lãnh đạo Chi nhánh NHNN Đắc Lắc thì cảnh báo: “Nếu ưu đãi thì phải chọn lọc, giám sát để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích.
|
Nông dân điêu đứng vì giá càphê quá thấp. |
Hỗ trợ cho ai?
Chúng ta thường nghe chuyện vỡ nợ ở các đại lý ký gửi càphê. Trong thực tế, ký gửi càphê là một phản ứng tự nhiên với thị trường. Khi giá càphê thấp, nông dân không bán ngay mà mang càphê thế chấp cho đại lý, ứng trước một khoản tiền. Khi càphê lên mức mà họ thấy không bị lỗ, họ mới chốt giá và quyết toán với đại lý. Tuy nhiên, ký gửi thường tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi giá càphê “nằm” quá lâu, chủ đại lý mất khả năng gánh nợ.
Cũng với hình thức ký gửi, nhưng ở quy mô lớn hơn và an toàn hơn đã được thực hiện tại Trung tâm Giao dịch càphê Buôn Ma Thuột (BCEC), mà dịch vụ tài chính được cung cấp bởi Techcombank. Nhờ tính chất an toàn, lượng càphê ký gửi tại BCEC từ chỗ chỉ có 0kg đã tăng lên hơn 1.000 tấn trong vài tháng gần đây. Song, ký gửi tại BCEC có nhược điểm là những nông dân ở xa phải mất phí tổn khá lớn để vận chuyển đến kho của trung tâm này.
Theo lãnh đạo Chi nhánh NHNN Đắc Lắc, giao việc tạm trữ càphê cho BCEC thực hiện là hợp lý nhất. Ngoài ra, một số DN xuất khẩu càphê hàng đầu ở Đắc Lắc còn cho rằng, cũng có thể cho DN vay vốn ưu đãi, nhưng không phải mua mà dùng tiền đó nhận ký gửi càphê cho nông dân. Khi giá càphê có lợi thì nông dân chốt giá, DN xuất khẩu để thu hồi vốn. Như vậy DN chẳng mất gì, còn nguồn vốn ưu đãi thì đến đúng đối tượng cần hỗ trợ là nông dân trồng càphê.
Chính phủ chưa duyệt đề xuất mua tạm trữ 200.000 tấn càphê Đó là khẳng định của ông Phan Hữu Đễ - Tổng Thư ký Hiệp hội càphê - cacao VN (Vicofa). "Việc 5 DN được đề xuất hỗ trợ lãi suất 6% trong vay vốn và giá sàn 23.000đ/kg làm giá sàn thu mua hoàn toàn chưa có sự thông qua của Chính phủ” - ông Đễ cho hay.
Trước lo ngại mức giá sàn trên chưa được tính toán kỹ và chưa đảm bảo có lãi cho nông dân, ông Đễ cho rằng đây là mức giá sàn hợp lý nếu được phê duyệt sớm. Thực tế, giá mua càphê của DN khó có thể ở một khung giá chung vì phụ thuộc vào thị trường cũng như năng suất chất lượng càphê thu mua. Ông Đễ quả quyết: “Với mức giá này tôi đảm bảo là có lãi cho nông dân”.
Trong khi đó, Phó CT Vicofa, ông Đỗ Hà Nam, lại cho rằng cơ bản liên bộ: Công Thương, Tài chính và NNPTNT đã chấp thuận cho thu mua tạm trữ lượng càphê nói trên, tuy nhiên chỉ đang vướng khâu… thủ tục.
“Thực tế, đã có DN rục rịch vay vốn ngân hàng theo lãi suất thỏa thuận để mua càphê trong dân nhằm giảm đà rớt giá”. Điều vướng mắc lúc này, theo ông Nam chính là cách triển khai.“Từ trước đến nay chưa có nghiên cứu về việc định giá sàn cho càphê. Nếu thực hiện giá sàn theo như cách làm với lúa gạo thì mức giá đưa ra sẽ không có cơ sở hợp lý” – ông Nam cho hay.
Ông Bùi Tất Tiếp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, Bộ NNPTNT chưa nhận được thông tin phản hồi từ đề xuất trên nên chưa thể khẳng định được điều gì. Hiện theo Cục Trồng trọt, càphê XK chủ yếu của nước ta là càphê robusta – mặt hàng đứng đầu thế giới về sản lượng XK. Năm ngoái, sản lượng càphê đạt gần 1 triệu tấn. D.H |