Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu nguyên liệu, giá thành cao: Người chăn nuôi lại lao đao
23 | 03 | 2010
Từ đầu năm 2010, thuế nhập khẩu nguyên liệu như bột bắp, bột cá, bột thịt xương, dầu cá tăng 0-5% đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước tăng từ 5-10%. Điều này khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trung tâm chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn đều rất lo lắng, nhiều nơi nông dân đã bỏ chuồng trại.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng 40-60%
Theo Bộ NN&PTNT, trong vòng 3 năm trở lại đây giá TĂCN trên thị trường đã tăng tới 40-60% tùy loại. Ngoài khô dầu đậu tương giảm 3% so với cùng thời điểm tháng 12-2009, còn lại giá nguyên liệu khác vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện tại, giá sắn lát trên thị trường tăng 2,6%, ngô tăng 3%... kéo theo giá TĂCN cũng tăng cao (cám gà tăng 2%, cám lợn thịt tăng 2,3%). Theo các đại lý TĂCN, giá bán lẻ thức ăn cho lợn, gà vừa được các công ty tăng lên từ ngày 1-2-2010. Thức ăn hỗn hợp tăng 160 đồng/kg, thức ăn đậm đặc tăng 200 đồng/kg. Đây là lần tăng giá thứ ba kể từ đầu năm 2010 với mức tăng tổng cộng là 480 đồng/kg cho thức ăn hỗn hợp và 600 đồng/kg cho thức ăn đậm đặc. Trong khi đó, giá thành phẩm chăn nuôi bắt đầu chững lại và giảm so với thời điểm cuối năm 2009. Tại thị trường Hà Nội, giá thịt lợn hơi dao động từ 26.000-32.000 đồng/kg, gà ta biến động 70.000-75.000 đồng/kg, trứng gà 15.000-17.000 đồng/chục. Trước diễn biến này, hiện nhiều người chăn nuôi đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Trường, ở huyện Thường Tín than: "Mỗi lần đi mua TĂCN cho đàn lợn lại có một giá mới, nhà tôi đang nuôi khoảng 20 con lợn nên chưa biết xoay xở thế nào. Muốn giảm lỗ thì chỉ còn cách là giảm đàn". Thực tế, giá thức ăn tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng gặp khó khăn. Theo tính toán của Trung tâm Gà giống Ba Vì (Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội), với đàn gà giống 25.000-30.000 con, trung bình mỗi ngày tốn khoảng 4,5-5 tấn cám, giá TĂCN tăng đã làm cho trung tâm thua lỗ từ 80-100 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay, gà giống của trung tâm đang rất khó bán bởi giá thức ăn đồng loạt tăng khiến người nuôi không dám nhập đàn lớn.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam nhận định: "Việc tăng giá nguyên liệu TĂCN đang làm người nông dân thêm khó khăn. Lâu nay, người chăn nuôi vốn đã ít lãi, giờ chỉ cần tăng giá thêm một chút rồi kế tiếp tăng giá điện thì càng thêm lỗ". Ngoài ra, cũng đang tồn tại nghịch lý về quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn. Cụ thể, mỗi năm cả nước mới có khoảng 300.000ha trồng đậu tương, năng suất chỉ đạt 1,2-1,4 tấn/ha. Tính ra mỗi năm có khoảng hơn 300-350 nghìn tấn, với số lượng này chỉ đủ làm đậu phụ và nước uống giải khát. Điều bất lợi nữa là nước ta phải nhập 100% khô dầu đậu tương của nước ngoài (khoảng 2-2,5 triệu tấn) nên thiếu chủ động về nguồn nguyên liệu.

Cần có những giải pháp đồng bộ
Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để bình ổn giá TĂCN, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT cần phải thống nhất một số giải pháp cụ thể, đưa ra mức giá ở từng giai đoạn, quy định mức tăng giá phù hợp. Hiện Bộ NN&PTNT đang lên kế hoạch, có thể đầu quý III năm nay sẽ tiến hành thảo luận và đưa ra giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, về lâu dài muốn hạ giá TĂCN xuống mức hợp lý để người chăn nuôi có lãi thì các doanh nghiệp cần giảm các chi phí trung gian. Hiện nay, việc quảng cáo, bốc dỡ nguyên liệu tại các cảng và vận chuyển về nhà máy, in bao bì... chiếm chi phí quá lớn đã đội giá TĂCN lên cao. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng cần liên kết sản xuất tập trung, hình thành các trang trại để có thể ký hợp đồng mua, bán với doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Khi có hợp đồng lâu dài, doanh nghiệp vận chuyển trực tiếp đến trang trại sẽ giảm được chi phí bao bì, vận chuyển.

Tuy nhiên, để giải quyết nghịch lý giá TĂCN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu TĂCN. Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa sản xuất nguyên liệu TĂCN vào hạng mục ưu tiên đầu tư cũng như bảo đảm một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ sản xuất TĂCN. Đồng thời định hướng giúp nông dân ở những nơi có thế mạnh chuyển dần diện tích trồng sắn sang trồng ngô và quy hoạch thành trồng ngô như: Sơn La, Nghệ An, Đồng Nai... để phục vụ sản xuất TĂCN.
 
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT): Mỗi năm nước ta cần khoảng 17-18 triệu tấn TĂCN, trong đó sản xuất công nghiệp mới đáp ứng được gần 50% nhu cầu (khoảng 6 triệu tấn TĂCN cho gia súc, gia cầm và 2,4 triệu tấn TĂCN thủy sản), còn lại là do hộ chăn nuôi tự cung, tự cấp. Trong số 8,5 triệu tấn TĂCN công nghiệp sản xuất mỗi năm, các nhà máy chế biến phải nhập khẩu 3,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.


Theo Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường