Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cay đắng mía đường
29 | 03 | 2010
Ngày 26-3 tại TPHCM, Hiệp hội Mía đường Việt Nam họp phiên toàn thể trước những diễn biến bất thường về giá đường trên thị trường thế giới. Bởi vì nếu giá giảm như hiện nay, không loại trừ vụ chế biến mía đường sắp tới (năm 2010-2011), giá mía sẽ rất thấp, bà con lại rơi vào thảm cảnh mía đầy đồng nhưng đường lại quá đắng, do không bán được.

Hai tháng giá giảm 30%
 
Vài tháng trước, ngược với diễn biến giá các loại nông sản khác năm 2008, giá đường thế giới lại tăng lên và không ngừng tăng mạnh lên 740 USD/tấn (tháng 1-2010). Đây là mức cao kỷ lục trong 30 năm qua. Đường thế giới giá cao, kéo đường trong nước tăng lên.

Theo các nhà máy đường (NMĐ), với giá cao này người trồng mía, nhà máy mới có lời. Tuy nhiên, người tiêu dùng và nhà máy chế biến thực phẩm lại than trời vì giá cao.
 
Nhưng 2 tháng nay, giá đường thế giới lại quay gót, giảm rất mạnh, chỉ còn 530 USD/tấn, giảm 30%. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Cần Thơ (CASUCO) cho rằng, không loại trừ các NMĐ đang bị làm giá bởi các nhà tài phiệt đầu cơ trên thị trường nông sản thế giới. Ngành đường Việt Nam bị cuốn vào cơn bão giá, rơi vào bẫy (ôm hàng).

Với mức giá giảm khoảng 30% trong thời gian ngắn, yếu tố cung cầu không rõ nét bằng yếu tố đầu cơ. Đây là trường hợp bất bình thường trên thị trường đường nếu không nói là thủ đoạn làm giá của nhà đầu cơ và các quỹ tài chính thế giới.

Điều này có phần trùng hợp với giá cà phê giao dịch trên thị trường cà phê ở London thời gian qua, mà Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự đã nhiều lần phát biểu, giá cà phê thế giới, đặc biệt là cà phê robusta (Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất thế giới và cũng giao dịch chủ yếu ở thị trường London) cho thấy, diễn biến giá không theo quy luật cung cầu mà bị lệ thuộc vào nhóm nhà đầu cơ quốc tế thao túng.

Chỉ trong một tuần lễ (cuối tháng 2-2010), giá cà phê giảm gần 100 USD/tấn, gây choáng nhà kinh doanh và người trồng cà phê.
 
Há miệng mắc quai

Dù giá đường thế giới giảm mạnh, nhưng giá đường trong nước vẫn ở mức cao. Giám đốc một công ty thương mại (đại lý cấp 1) cho biết, giá đường bán buôn (bán sỉ) trong nước đã giảm 2.000 - 2.500 đồng/kg gần 2 tuần nay, nhưng giá bán lẻ vẫn ở mức cao.

Đường từ nhà máy chế biến sau khi bán cho công ty thương mại phải qua cấp 4, cấp 5 mới đến tay người tiêu dùng (mỗi ký đường từ nhà máy đến người mua chênh nhau 4.000 - 5.000 đồng). Nhà phân phối lẻ như các siêu thị muốn mua trực tiếp tại nhà máy chế biến, giảm bớt tầng nấc trung gian, nhưng không thể mua được.

Hiện tại mỗi cấp đều ôm một lượng đường nhất định và đều ở mức giá rất cao, có khi lên đến 18.000 - 19.000 đồng/kg nên các đại lý hầu như đều chưa muốn giảm giá. Đại lý cấp 1, khi giá đường thế giới giảm mạnh, mỗi tấn đường, chỉ 2 tháng qua lỗ 2-3 triệu đồng.
 
Hiện nay tình trạng giao dịch buôn bán đường trên thị trường gần như ngưng trệ, thậm chí đóng băng, không đại lý cấp nào chịu mua hoặc nếu có cũng chỉ mua giao dịch trong ngày, thay vì mua với lượng lớn như trước.

Trong khi đó, từ nhà máy chế biến đến các đại lý đều muốn bán ra lượng hàng đang “ôm” càng nhanh càng tốt. Vì vậy, nếu các NMĐ và công ty thương mại cùng bán ra sẽ đẩy giá đường xuống thấp, gây hỗn loạn thị trường.

Rất tiếc, khi giá đường thế giới tăng mạnh, các nhà máy, nhất là hệ thống đại lý đã ém hàng, tạo sự khan hiếm để nâng giá trục lợi, khiến cho người tiêu dùng, nhất là nhà chế biến thực phẩm điêu đứng, buộc Chính phủ phải can thiệp, cho nhập đường.

Diễn biến vừa qua đặt nhà máy và đại lý vào tình cảnh “há miệng mắc quai”. Khi giá đường thế giới cao thì điều chỉnh cho bằng. Nay giá thế giới giảm mạnh lại muốn giữ ở mức giá hợp lý. Nếu giá đường giảm (khi giá đường thế giới tiếp tục giảm) xuống dưới giá thành chế biến và dưới giá mua mía mà bà con nông dân có lãi sẽ đẩy ngành mía đường vào vòng luẩn quẩn: bàn con nông dân chặt mía, dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến cho vụ tới và giá lại tăng...

Điều đó cho thấy mía đường là ngành trầy trật và đầy cay đắng chứ không phải… “ngọt như đường”. Người trồng mía, với hơn 3 triệu lao động, thường là người nghèo và luôn bị thua thiệt.
 
Có một hiện tượng trái ngược giữa các NMĐ của 2 miền. Trong khi các NMĐ phía Nam cạnh tranh nhau mua mía nguyên liệu với giá rất cao, lúc cuối vụ lên đến 1,4 triệu đồng/tấn (cao nhất từ trước đến nay). Giá thành cao, bà con lãi cả trăm triệu đồng/ha.

Trong khi đó các NMĐ phía Bắc lại “giữ” giá ở mức 650.000 - 700.000 đồng/tấn mía, bà con chỉ lời 20-30 triệu đồng/ha. Giá này sẽ bị các loại cây trồng khác cạnh tranh gay gắt. Cả 2 thái cực này đều không có lợi cho người trồng mía.
 
Vấn đề sống còn của ngành mía đường là có mía nguyên liệu chế biến, do vậy phải giữ ở mức giá hợp lý và tạo lòng tin nơi người trồng, dù giá thị trường thấp cũng phải đảm bảo (bằng những văn bản pháp quy rõ ràng, không thể khuyến cáo như bấy lâu nay) mua vào với giá có lời.

Tiếc rằng, điều này trước nay các NMĐ chưa làm được để tạo sự yên tâm cho bà con.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường