Các chủ đại lý cho hay thị trường miền Nam hiện chỉ có gạo miền Bắc với khối lượng và chủng loại không đáng kể.
Hiện thị trường TP.HCM có một số loại gạo miền Bắc như thơm Thái Nguyên, nương Sơn La, Điện Biên, Lai Châu với giá khá cao từ 16.000-18.000 đồng/kg.
Theo các vựa gạo lớn trong thành phố, nguồn gạo cung cấp cho thị trường TP.HCM hiện nay chủ yếu nhập từ các tỉnh ĐBSCL, rất khó có loại gạo chuyển từ Bắc vào do yếu tố địa lý và gu ăn của người dân.
Ông Tuấn, chủ vựa gạo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), cho biết người dân chủ yếu sử dụng gạo trong nước, ngay cả loại gạo thơm Đài Loan cũng là giống gạo Đài Loan được trồng tại VN chứ không phải gạo nhập khẩu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết luật pháp VN không cho phép nhập khẩu và kinh doanh loại gạo biến đổi gen nên rất khó có khả năng loại gạo này có mặt tại thị trường trong nước.
“Không riêng gạo mà tất cả loại thực phẩm biến đổi gen đều chưa được Chính phủ cho phép nhập khẩu để kinh doanh, tiêu thụ trong nước” - ông Ngọc nói.
Cây chuyển gen là loài thực vật có chứa một hoặc nhiều gen được đưa vào nhân tạo chứ không phải qua lai tạo. Người ta đưa những gen mới vào để tạo ra những đặc tính mà cây trồng cũ không có như: khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh hay tăng năng suất, chất lượng...
Nhiều ý kiến cho rằng cây biến đổi gen có thể gây hại sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng cây trồng biến đổi gen được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và cho đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng về tác hại của loại thực phẩm này đối với con người.