Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mất trắng hàng trăm tấn caosu
07 | 04 | 2010
Cty CP caosu Việt Phú Thịnh (Viruco - TPHCM ký hợp đồng bán hơn 300 tấn caosu cho Cty Orbit, giao hàng tại cảng Dalian (Trung Quốc) thông qua đại lý vận tải Cosfi. Chưa kịp mừng, ông Vũ Anh Phong (GĐ Cty) tá hoả khi hay tin hơn 200 tấn caosu trị giá hơn 450.000USD đã được giao trong khi Cty chưa nhận được 1 xu và vận đơn gốc còn nắm trong tay.

Phạm luật

Ông Vũ Anh Phong - GĐ Viruco - cho hay, cuối năm 2009, Cty có ký hợp đồng xuất khẩu bán hơn 300 tấn caosu, tổng trị giá trên 674.000USD cho Cty Orbit Sakti SDN BH (Cty Orbit- Malaysia), giao hàng tại cảng Dalian (Trung Quốc) theo điều kiện CIF.

Để đưa hàng đến cảng Dalian, Viruco thuê Cty liên doanh đại lý vận tải Cosfi vận chuyển. Cosfi sử dụng hãng tàu của Singapore. Hai chuyến hàng đầu tiên tổng trọng lượng hơn 200 tấn caosu trị giá gần 450.000USD đã được Viruco giao đầy đủ cho Cosfi và được Cosfi xác nhận trên 2 vận đơn HCMDAL-23935 và HCMDAL-23926. Tại 2 tờ khai hải quan đối với 2 lô hàng trên, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn KV I cũng xác nhận hàng đã thực xuất đi.

Phát hiện thấy dấu hiệu Orbit không thanh toán tiền theo đúng điều khoản hợp đồng, Viruco liên tiếp gửi thư điện tử và công văn cho Cosfi yêu cầu Cty này cung cấp thông tin và tình trạng của 2 lô hàng đã được chuyên chở đến cảng Dalian để Cty tìm cách chở ngược về Việt Nam. Nhưng Cosfi không hề hồi âm. Hoảng quá, Viruco phải thuê tiếp hãng vận chuyển thứ ba là Cty Nam Trung Việt sang cảng Dalian để chở toàn bộ hàng về. Ngờ đâu khi đại lý của Nam Trung Việt tại Trung Quốc đến cảng Dalian thì Cosfi đã hoàn tất việc giao hàng.

Theo quy định của pháp luật về hàng hải, vận đơn có giá trị pháp lý rất quan trọng: Là bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hoá để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hoá dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển...

“Vận đơn chính Viruco vẫn nắm trong tay, lệnh giải phóng hàng chưa được phát đi, nhưng Cosfi đã hoàn tất giao hàng là vi phạm nghĩa vụ vận chuyển theo quy định tại vận đơn và Luật Hàng hải. Gần 450.000USD tổng giá trị hàng hoá mà giờ này chúng tôi chưa lấy được 1 xu nào, thiệt hại rất lớn!” - ông Phong uất ức!

Vận đơn thành “vận mệnh”

Nhiều văn bản của Viruco gửi hỏi về tình trạng hàng hoá thì Cosfi không hồi âm, nhưng ngay khi luật sư đại diện của Viruco gửi văn bản cảnh báo sẽ nhờ cậy đến pháp luật, Cosfi lập tức thuê luật sư khác làm văn bản phản hồi.

Theo đó, Cosfi thừa nhận đã vận chuyển và hoàn tất giao hàng, nhưng người nhận không phải là bên ký kết hợp đồng mua hàng với Viruco, mà cho chính đại lý của mình tại Dalian là Cosco Logistics.

Biện minh, Cosfi khá “cao tay”, khi vận dụng luật và thông lệ hàng hải quốc tế, lờ đi “vận đơn chính” mà “xoáy” vào tên phía nhận hàng trong vận đơn mà Cosfi lưu giữ: “Người nhận hàng có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp”.

Trong khi đó, ký kết giữa Cosfi và Viruco, người nhận hàng là Cosco Logistics. Từ đó, Cosfi khẳng định, đã làm tròn nhiệm vụ của mình còn “việc Cosco Logistics chuyển tiếp hàng hoá đi đâu thì chỉ Viruco và Cosco Logistics thoả thuận, biết với nhau... không liên quan đến Cosfi!”.

“Phản pháo” trước lý luận trên, ông Phong cho rằng, việc vận dụng của Cosfi không sai, nhưng theo luật thì phía người nhận hàng bắt buộc phải xuất trình vận đơn chính. “Nên việc Cosfi giao hàng khi bên nhận không xuất trình vận đơn chính là sai. Chúng tôi đã thuê luật sư khởi kiện Cosfi đòi bồi thường toàn bộ lô hàng !” - ông Phong nói. Về phần mình, Cosfi cũng tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

“Cuộc chiến” pháp lý giữa 2 bên chưa ai biết chắc kết cục sẽ ra sao, nhưng việc Viruco tự nhiên mất trắng hơn 200 tấn caosu, thiệt hại hơn 450.000USD là lời cảnh tỉnh các DN xuất khẩu khi giao thương trên thương trường quốc tế.



Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường