Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khát nguyên liệu thủy sản
12 | 04 | 2010
Nhiều nhà máy phải cử nhân viên đi các nơi lùng sục tìm mua nguyên liệu

Tình trạng thiếu nguồn tôm nguyên liệu đang diễn ra khá phổ biến tại các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra ở Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp cũng đang đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu.


Nhiều nhà máy chế biến tôm ở Bạc Liêu đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ảnh: KHÁNH CHÂU


Phải chuyển hướng sản xuất


Mặc dù hiện tại toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 110.000 ha nuôi tôm nhưng chủ yếu là mô hình tôm nuôi quảng canh, thu hoạch theo kiểu thu tỉa thả bù nên nguồn cung tôm sú không đáng kể. Nguồn nguyên liệu ít ỏi này hiện tại đang đứng trước nguy cơ mất trắng cả mùa vụ do tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài cộng với việc thiếu nước mặn nên số diện tích nuôi bị thiệt hại cứ tăng dần theo mỗi ngày. Hiện đã có trên 11.000 ha tôm nuôi bị chết trắng do thiếu nước, nắng nóng. Trong khi đó, người nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp lại chưa dám mạnh dạn thả giống do thời tiết không thuận lợi.


Trước tình hình thiếu trầm trọng nguồn tôm nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến thủy sản buộc phải chuyển hướng sang một số loài thủy sản khác để tạm duy trì sản xuất. Ông Quách Văn Đua, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Giải pháp thay thế của công ty chúng tôi là chuyển hướng sang sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm chì... Đối với các hợp đồng cung cấp tôm sú còn hiệu lực, công ty buộc lòng phải đàm phán với khách hàng để có thể kéo dài thêm thời gian, chờ gom đủ hàng”. Đây cũng là tình trạng chung của các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản nằm trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng. Cũng do nguồn cung thiếu nên vài tháng gần đây, giá tôm nguyên liệu liên tục được đẩy lên cao.


Cá tra cũng gặp... hạn


Một số vùng nuôi cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL những ngày qua đang đối mặt với tình trạng khó khăn do nắng nóng gây ra. Nắng nóng gay gắt khiến nước trong ao nuôi bốc hơi nhanh, nhiệt độ nước biến động theo chiều hướng bất lợi. Nước ao bị bẩn nhanh do phần thừa của thức ăn bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá tra. Trước thực trạng đó, chủ nuôi phải đối phó bằng cách thường xuyên bơm, xả bảo đảm đủ nước sạch, mát để cá tra không bị bệnh. Tuy nhiên, điều này cũng khó thực hiện lâu dài vì hầu hết các vùng nuôi lấy nguồn nước từ các kênh rạch.

Trong khi đó, vào những ngày này nhiều con kênh cũng kiệt nước do hạn hán. Tại vùng nuôi Thới Thuận, nay thuộc xã Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, công nhân thay phiên nhau thường xuyên rảo quanh bờ ao để kiểm tra. Dưới cái nóng rát bỏng da người, anh Quý, công nhân làm việc cho một chủ nuôi ở đây, cho biết cá thường bị lờ đờ nổi trên mặt nước gặp khi trời nắng gắt. Nhiều khi công nhân phải thức trắng đêm làm việc và gần như ngày nào cũng phải bơm, xả nước ao nuôi, vậy mà cá vẫn bị bệnh. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, xác nhận: Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở một số vùng nuôi cá tra nguyên liệu như huyện Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân..., tỉnh An Giang.


Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến cá tra đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tìm ra nguồn nguyên liệu đáp ứng sản xuất mặc dù đã tung lực lượng thu mua tỏa ra nhiều nơi. Giám đốc một công ty xuất khẩu cá tra ở khu tiểu thủ công nghiệp Mỹ Quý, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang than thở: “Khách đặt hàng liên tục nhưng chúng tôi chưa dám ký hợp đồng vì nhà máy đang “đói” nguyên liệu. Ký thì mạo hiểm quá vì nếu không có hàng để giao sẽ phải bồi thường, còn không ký sẽ bị mất khách, ảnh hưởng uy tín công ty”. Vị giám đốc này cũng thừa nhận nhiều hôm nhà máy chỉ bố trí cho công nhân sản xuất cầm chừng vào buổi sáng, nếu không mua được cá chắc sẽ phải tạm đóng cửa trong vài tháng tới.

Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng


Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), thừa nhận nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu đang thiếu. Nhiều nhà máy hiện hoạt động chỉ được 20%- 30% công suất, có nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng hoạt động.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường