Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vẫn lén lút bán thịt lợn trong vùng có ổ dịch tai xanh
29 | 04 | 2010
Dù dịch tai xanh đang có nguy cơ bùng phát, song tại khu vực ổ dịch là 5 xã thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, PV Tiền Phong Online vẫn ghi nhận được tình trạng lén lút bán thịt lợn không kiểm dịch, trong khi nhân viên tại chốt kiểm dịch thú y xã đang say sưa... ngủ.

Bán thịt lợn “ngụy trang” bằng… thịt bò

7 giờ sáng ngày 28/4, PV Tiền Phong Online có mặt tại chợ Keo, thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Các quầy bán hàng đều không thấy bán thịt lợn. Nhưng khi chúng tôi hỏi mua thì nhiều người bán hàng đều hỏi lại là có mua nhiều không, nếu có thì chờ một lát, họ sẽ mang tới, vì đang có lệnh cấm, nên không thể bày ra công khai.

Các quầy bán thịt lợn ở chợ Keo đều sạch trơn, nhưng chịu khó hỏi sẽ tìm được "hàng". Ảnh: HL

"Từ ngày 13-19/4/2010, dịch xuất hiện tại các xã Kim Sơn, Trung Màu, Dương Quang, Lệ Chi và Phú Thị của huyện Gia Lâm làm 370 con lợn mắc bệnh và 320 con lợn bị tiêu hủy." - trích Thông báo của Cục Thú ý. 

Một người tên là V, sau 20 phút, đã mang cho chúng tôi hơn 1 cân thịt lợn, với giá 60 nghìn đồng. Trước đó, một người bán hàng khác tiết lộ: “Người ta cấm nên bọn mình phải treo đầu “dê bán thịt chó”, giả vờ để một ít thịt bò ở đây, nhưng nếu ai hỏi mua thịt lợn thì mới về nhà lấy mang ra”. Chị V. còn tiết lộ: “2 giờ sáng, bọn mình đã phải chở thịt vào các chợ trong nội thành bán, để tránh bị kiểm dịch”.

Thú y xã bận... hội làng, thú y huyện không tiếp nhà báo

9 giờ sáng, PV Tiền Phong Online đến chốt kiểm dịch đặt trước cổng thôn Linh Quy (thuộc xã Kim Sơn) thì không thấy ai, ngoại trừ một người đàn ông đang…ngủ ngon lành. Hỏi người dân gần đó mới biết, có 5 người cắm chốt, nhưng có lẽ lúc này họ đang bận, vì “hôm nay làng có hội”.

Chúng tôi đã tới gặp người phụ trách về thú y của xã, nhưng theo lời nhân viên văn phòng thì ông này cũng đang... bận vì tham gia lễ hội làng. Trước đó, cùng với 4 xã khác, Kim Sơn đã xuất hiện lợn tai xanh từ ngày 17-4, tiêu hủy hơn 300 con lợn.

Trước diễn biến đáng quan ngại đó PV Tiền Phong Online đã tới gặp ông Lê Minh Đạt, Trạm trưởng trạm Thú y huyện Gia Lâm, để hỏi về tình hình dịch bệnh, nhưng thật đáng tiếc và khó hiểu là vị Trạm trưởng này đã từ chối trả lời và cung cấp thông tin vì... bận (?!).

Thịt lợn không có dấu kiểm dịch tràn lan thị trường

Ngay tại xã Dương Xá, nằm cạnh 3 xã đang có dịch mà vẫn có cửa hàng bán thịt lợn, nhưng lại không thấy dấu kiểm dịch.

PV Tiền Phong đã tới một số khu vực bán mặt hàng này ở trong nội thành, nhưng cũng thấy tình trạng tương tự. Như chị Thanh, bán thịt lợn ở phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Thịt này chị lấy từ Bắc Ninh, rất đảm bảo”. Tuy nhiên, không hề có dấu kiểm dịch đóng trên mặt hàng mà chị bán; hơn nữa, Bắc Ninh cũng là tỉnh đang có lợn tai xanh.

Ngay tại một cửa hàng ở phía sau Cục Thú y – cơ quan đầu não về chống dịch bệnh cho gia súc, chúng tôi cũng phát hiện thấy thịt lợn đang bày bán không có dấu kiểm dịch.

Một cửa hàng bán thịt không có dấu kiểm dịch. Ảnh: HL

Trước đó, các chuyên gia đã khuyến cáo người dân nên mua thịt có dấu kiểm dịch, không ăn thịt mắc bệnh, vì có thể sẽ mắc chứng liên cầu, dễ dẫn đến tử vong.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường