Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội nào cho trái cây Việt Nam?
05 | 05 | 2010
Sản lượng lớn, chất lượng cao không thua kém các nước trong khu vực, nhưng tại sao trái cây Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường quốc tế? Tại sao trái cây nội vẫn bị "thua" trên "sân nhà"?... Những vấn đề ấy đã có lời giải đáp từ Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất vừa diễn ra tại Tiền Giang. Tuy nhiên, trên thực tế, từ lễ hội đến nhà vườn vẫn còn một khoảng cách...

Cú hích từ lễ hội

Bà Năm Quỳnh sinh ra trong một gia đình ba đời làm nghề trồng vườn. Hiện bà có vườn trái cây rộng hơn 2 ha ở Cai Lậy (Tiền Giang). Những ngày diễn ra Festival (lễ hội) trái cây vừa qua, bà không giấu nổi niềm vui. Không vui sao được khi hàng trái cây của bà ngày nào cũng "cháy" sạp. Chẳng riêng gì bà Năm Quỳnh, hầu hết các sạp trái cây trong khuôn khổ lễ hội đều tiêu thụ hàng với số lượng lớn. Không chỉ bán phục vụ du khách, các nhà vườn đều tấp nập thuê nhân công thu hoạch trái cây để bán. Trong những ngày diễn ra lễ hội, có đến hàng trăm nghìn tấn trái cây của các nhà vườn được tiêu thụ. Dọc các tuyến kênh rạch, các chợ nổi, xuồng ghe chở trái cây ngược xuôi tấp nập chưa từng thấy. Cũng sản phẩm như thế, cũng ở các nhà vườn ấy, tại sao lúc bình thường thì ế mà khi diễn ra lễ hội thì không đủ nguồn hàng mà bán? Câu trả lời là: chính lễ hội đã tạo ra cú hích lớn cho thị trường trái cây.

Chị Nguyễn Thị Hà, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ:

- Từ trước đến nay dân mình thường sính trái cây ngoại, nhất là khi mua để làm quà biếu. Mặc dù giá bán cao ngất ngưởng nhưng hình thức trái cây ngoại rất bắt mắt, bao bì, nhãn hiệu đẹp. Hóa ra mình bị cảm giác đánh lừa. Trái cây Việt Nam rất ngon, rẻ và quan trọng nhất, so với trái cây ngoại, hàng nội rất tươi.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 776.000 ha cây ăn trái, trong đó riêng các tỉnh phía nam hơn 460.000 ha, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hơn 282.000 ha. Năng suất thu hoạch trái cây bình quân cả nước ước đạt 10 tấn/ha. Mục tiêu năm 2010, cả nước phấn đấu đạt 910 nghìn héc-ta cây ăn trái, sản lượng hơn 10 triệu tấn; trong đó diện tích cây ăn trái xuất khẩu chủ lực là 255 nghìn héc-ta, sản lượng xuất khẩu 430 nghìn tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây các loại của cả nước phấn đấu đạt 295 triệu USD/năm.

Hết hội, lại lo

Sau những ngày tưng bừng, rầm rộ không khí lễ hội với hơn 100.000 lượt khách tham dự, những người nông dân lại trở về mảnh vườn cũ. Họ lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo một mùa vụ mới "được mùa - rớt giá". Ông Trần Minh Hùng, một chủ nhà vườn ở Mỹ Tho (Tiền Giang) than thở: "Người nông dân sản xuất không làm chủ được sản phẩm của mình. Ðầu ra bấp bênh. Càng được mùa, nguy cơ lỗ vốn càng lớn".

Thực trạng "được mùa - rớt giá", bị thương lái thao túng đã và đang là căn bệnh trầm kha của trái cây Việt Nam. Ðể bắt đúng "bệnh" không khó, nhưng tìm được "thuốc chữa" lại là việc chẳng dễ dàng, nhất là các giải pháp đi từ gốc cây, mảnh vườn, nếp nghĩ, cách làm của nhà nông. Nhiều nhà khoa học phải "kêu trời" khi nông dân đổ xô trồng vườn theo phong trào, đến khi mất giá lại chặt phá ào ào.

Ông Giôn-hây, Tổng Biên tập Tạp chí Trái cây châu Á cho rằng: Trái cây Việt Nam phải hình thành quy trình chuyên nghiệp từ sản xuất đến phân phối, thực hiện tốt chiến lược quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, bảo đảm sản phẩm từ tiền thu hoạch, hậu thu hoạch, tiêu thụ và phản hồi từ thị trường. Muốn vậy, cần phát triển các vùng chuyên canh các loại cây đặc sản, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, đáp ứng tốt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo thế mạnh cạnh tranh xuất khẩu.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam cũng cho rằng, hiện trạng trái cây Việt Nam là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, lại qua nhiều trung gian trong tiêu thụ sản phẩm nên mất sức cạnh tranh.

Trông vào liên kết "bốn nhà"

Ðể khắc phục được những vấn đề cố hữu của trái cây Việt Nam, cần phải có thời gian. Một chiến lược phát triển căn cơ, không thể hy vọng sau mấy ngày lễ hội. Hiện Viện Chiến lược phát triển cây ăn trái đã xây dựng đề án cho trái cây Việt Nam đến năm 2020 theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xóa vườn tạp, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh. Việc có thể làm ngay đó là làm cho trái cây "đẹp" hơn để khách hàng thấy được nó "ngon" hơn. Khâu tiêu thụ trái cây của chúng ta hiện nay vẫn làm theo kiểu chất đống, bỏ bọc ni-lông. Một trong những sản phẩm đi tiên phong trong việc "làm đẹp" là bưởi Tân Triều (Ðồng Nai). Tại các siêu thị trên địa bàn, khách hàng bắt gặp những quầy hàng được trang trí bắt mắt, các cô gái bán hàng mặc áo bà ba, bưởi được cho vào hộp, bao bì trình bày đẹp. Giúp nông dân làm được như vậy đối với các loại trái cây khác không khó. Vấn đề là phải có sự vào cuộc rốt ráo của các doanh nghiệp. Thói quen duy trì vườn tạp của nông dân cũng cần phải được thay đổi.

Trong mối liên kết "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) thì bức xúc trước mắt cần điều chỉnh là giữa "hai nhà": Nhà doanh nghiệp và nhà nông. Chuyện doanh nghiệp đầu tư nửa vời, bỏ rơi nhà nông trong lúc khó khăn cần phải được chấm dứt.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường