Tại cuộc họp góp ý dự thảo Luật An toàn thực phẩm, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tổ chức tại TPHCM ngày 10- 5, nhiều ý kiến tỏ ra rất bức xúc trước thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Đây cũng là bức xúc chung của xã hội, nhất là trong thời điểm dịch tả đang xuất hiện ở nhiều nơi.
Cỡ nào cũng bán
Trước đây, TPHCM thường xuyên ra quân dọn dẹp chợ tự phát, chợ lề đường. Tuy nhiên, những năm gần đây công tác này gần như bị thả nổi nên các chợ kiểu này bùng phát khắp nơi. Thực phẩm không bảo đảm vệ sinh bày bán tràn lan mà không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, chấn chỉnh.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn đang rất nghiêm trọng, nhất là những ngày nắng nóng đã qua.
Tại chợ lề đường thuộc ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, quận 9 nhiều người bán thịt heo không có dấu thú y.
Ông Lý bán thịt tại đây cho biết: “Thịt được mối từ các lò mổ ở Đồng Nai giao hàng nên giá rẻ nhưng cũng không có dấu má gì”. Chiều 11-5, tại chợ Tân Chánh Hiệp, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, nhiều người bán cá ươn đến mức bốc mùi hôi, ấn tay lên thân cá cứ xì xọp như xốp nhưng vẫn có người mua vì giá chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Thịt heo thì rỉ nhớt, tái xanh, ruồi nhặng bu đầy... Chúng tôi quan sát khá lâu cảnh mua bán tại chợ lề đường Trung Mỹ Tây (quận 12). Do nắng nóng gay gắt, nên các mặt hàng thực phẩm rất nhanh hư, nhất là thịt, cá. Vì vậy nhiều người bán cá ươn dùng một chất màu đỏ quét lên mang cá rồi thuyết minh: “Cá mới chết, còn tươi ngon”...
Trên một số tuyến đường xung quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) thịt heo được bán với giá chỉ bằng 2/3 giá bán ở các quầy sạp trong chợ và đến cuối giờ chiều giá chỉ còn 1/2.
Cá ươn thối bán tại khu vực gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh - TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Nhiều người dân ở đây cho biết toàn là thịt heo chết nên mới có giá rẻ như vậy. Thắc mắc vì sao thịt heo chết mà vẫn hồng hào, săn cứng, một người bán thịt trong nhà lồng chợ tiết lộ: Nhờ “công nghệ” làm màu và phết hàn the, chỉ cần sờ vào sẽ thấy dính màu và có cảm giác nham nhám do hàn the chưa tan hết... Ở chợ Nhị Thiên Đường (quận 8) chúng tôi chứng kiến cảnh bán lòng bò có một không hai.
Dưới cái nắng gay gắt, lòng bò đã chuyển màu tái mét được đổ thành từng đống, bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Người bán vô tư đổ vào một chậu nước màu trắng đục để ngâm. Khi vớt ra lòng bò trắng phau trông khá hấp dẫn.
Quản lý bó tay hay thờ ơ?
Tại nhiều chợ lề đường xung quanh khu chế xuất, khu công nghiệp ở Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh tình trạng còn kinh hoàng hơn nhưng tuyệt nhiên không thấy ai kiểm tra, nhắc nhở.
Tại cuộc họp góp ý dự thảo Luật An toàn thực phẩm tổ chức tại TPHCM ngày 10- 5, đại diện một số cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM chưa đưa ra được biện pháp gì có tính khả thi cao trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Gà, vịt không qua kiểm dịch cứ ngang nhiên giết mổ tại chỗ. Gia cầm chết cũng được giết mổ bán cho công nhân với giá chỉ 20.000 đồng- 25.000 đồng/kg. Nhiều khay thịt, cá bày bán đã ươn thối, rỉ nhớt xanh lè bày ngay dưới đất đầy rác rưởi, mỗi lần xe qua lại bụi mù... Các loại thịt, cá bị ôi thiu bán không hết được người bán tận dụng triệt để bằng cách tẩm ướp để xay làm chả cá, thịt viên... bán cho khách khi tan ca cuối giờ chiều...
Điều đáng lo ngại là tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn như trên đang ngày càng lan rộng nhưng các cơ quan chức năng gần như chẳng ai quan tâm. Tại cuộc họp góp ý dự thảo Luật An toàn thực phẩm tổ chức tại TPHCM ngày 10- 5, đại diện một số cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM chưa đưa ra được biện pháp gì có tính khả thi cao trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số ý kiến viện đủ lý do cho rằng việc quản lý chợ tự phát, chợ lề đường, người bán hàng rong lâu nay đã làm nhưng không mang lại hiệu quả do đối tượng quá đông. Một đại diện của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TPHCM thì than: Chi cục không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nên gặp khó trong quá trình kiểm tra, xử lý...
GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng tình hình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng sử dụng phẩm màu trong thực phẩm tràn lan mà chưa có cách nào kiểm soát.
Phát hiện chất độc hại lạ Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, gần đây qua kiểm tra các mẫu thức ăn chăn nuôi đã phát hiện nhiều mẫu bị nhiễm một số chất lạ mà trước đây không thấy.
Chẳng hạn thức ăn chăn nuôi bị nhiễm chất malachite green (một loại hóa chất trị nấm mốc) mà nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng trong nhiều lĩnh vực do có độc tố gây xáo trộn hoóc-môn, gây dị dạng thai nhi, kể cả gây bệnh ung thư.
Một số mẫu thức uống đóng chai có nguồn gốc nhập khẩu bị nhiễm chất benzen, chất này làm cho ngực bé gái 6- 7 tuổi có thể phát triển như người lớn.
Ông còn cảnh báo nhiều người hay sử dụng loại “giấy” cuộn nhựa mỏng để bao bọc thức ăn cũng rất nguy hiểm do trong loại giấy nhựa này có chứa chất phtalat gây xáo trộn hệ thống hoóc-môn, gây dị dạng (nhất là khi bao thức ăn nóng, chất độc sẽ thôi nhiễm cao hơn). |