Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tràn lan thực phẩm, nông sản nhập khẩu
13 | 05 | 2010
Mới đây, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp hạn chế nhập khẩu thực phẩm, nông sản không cần thiết. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp sử dụng các biện pháp quản lý chất lượng hàng hóa.

Mặc dù hàng sản xuất trong nước đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa nhưng thực phẩm và nông sản như sữa, thịt, rau, củ, quả, bánh kẹo… nhập khẩu vào Việt Nam lại đang có xu hướng gia tăng. Thực tế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu và yếu.

Giật mình với con số nhập khẩu

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm và vật tư, nguyên liệu trong 4 tháng đầu năm 2010 lên tới hơn 5 tỉ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2009. Riêng tháng 4/2010, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này lên tới 1,5 tỉ USD. Các nhóm hàng thịt và sản phẩm thịt, đồ uống (rượu, bia, nước ngọt) và các chế phẩm ăn được khác (nước sốt, thực phẩm chức năng…) cũng có kim ngạch nhập khẩu tương đối lớn, lần lượt là 100 triệu USD, 93 triệu USD và 92 triệu USD. Đáng lưu ý, mặt hàng rau, củ, quả được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới 70% kim ngạch nhập khẩu qua đường biên mậu.

Lý giải vì sao lượng nông sản và thực phẩm nhập tăng lên mức báo động, Bộ Công thương cho rằng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu đối với hoa quả cao cấp nhập khẩu từ các nước phát triển như Australia, Mỹ… ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, do Trung Quốc gặp thuận lợi về thời tiết, rau quả được trồng trên diện rộng, kỹ thuật cao, lại trồng được quanh năm nên lượng rau, củ, quả tương đối dồi dào.

Trong khi đó, rau quả trong nước trồng theo mùa nên bị thiếu hụt nguồn cung trong những lúc trái vụ. Một số loại hoa quả của Việt Nam chất lượng kém và chỉ có thời vụ ngắn như táo, lê, nho… nên các loại hoa quả này phải nhập khẩu gần như 100%.

Ít tiêu chuẩn kỹ thuật để làm rào cản

Ông Phạm Quang Diệu, chuyên  gia  nông nghiệp thuộc Viện Chiến lược và Phát triển Nông nghiệp cho biết: Hàng xuất khẩu của Việt Nam luôn bị đe dọa bởi hàng rào phi thuế quan của các nước. Nhưng ngược lại, ở trong nước, chúng ta có quá ít tiêu chuẩn kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu và kiểm soát chất lượng hàng nhập vào Việt Nam.

Trước tình hình này, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp hạn chế nhập khẩu thực phẩm, nông sản không cần thiết. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp sử dụng các biện pháp quản lý chất lượng hàng hóa. Theo đó, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế (danh mục nhóm 2) và các Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với các mặt hàng thuộc Danh mục để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tăng cường các biện pháp kiểm dịch động - thực vật đối với các mặt hàng động vật và sản phẩm động vật tươi sống, sản phẩm trồng trọt (rau, quả, chè, cà phê, điều, tiêu). Đồng thời, sớm xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật (chú trọng quy định, các chỉ tiêu kỹ thuật về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản…) đối với nhóm mặt hàng trên để làm cơ sở cho việc kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ NN&PTNT.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, ngoài các giải pháp trên, cần thực hiện mạnh mẽ việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Chính sách về quản lý chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm hiện nay không thiếu, nhưng công tác thực thi chưa đầy đủ do nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu do thiếu cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật và cán bộ kiểm tra thực tế tại cửa khẩu. Hơn nữa, sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan ATVSTP, cơ quan kiểm dịch động, thực vật đã tạo ra nhiều khe hở trong việc quản lý chất lượng hàng nông sản, thực phẩm. Do vậy, cần sớm phân định rõ chức năng quản lý của từng cơ quan để thống nhất việc kiểm tra tại các cửa khẩu.



Theo vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường