MỘT NĂM THIẾT LẬP 4 “KỶ LỤC”
Năm 2009 có thể khẳng định là một năm đại thắng lợi của ngành hồ tiêu VN khi có tới 4 cái nhất được thiết lập: Số lượng hồ tiêu XK đạt cao nhất; Giá trị XK đạt cao nhất; Số lượng tiêu bột đen và trắng XK tăng cao nhất; và Điều tiết XK đều nhất trong các năm.
Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA), năm 2009 VN đã XK trên 134.000 tấn, đạt trên 348 triệu USD. “Đây là thắng lợi lớn nhất trong lịch sử ngành hồ tiêu VN” – ông Nam nói. Điểm nhấn cho thắng lợi này là từ tháng 8 đến tháng 12/2009 tốc độ tăng giá khá cao, một số DN xuất nhiều vào những tháng đầu năm giá thấp, hoặc ký nhiều hợp đồng kỳ hạn giao xa đã giảm lợi nhuận. Song hầu hết các DN kinh doanh thực hiện phương thức mua ngay, bán ngay đã bảo toàn được vốn và có lãi. Một số nông dân và DN mua trữ tiêu trong vụ thu hoạch đầu năm và bán vào các tháng cuối năm khi giá tăng đã thắng lớn. Một trong những điểm khác biệt làm nên thành công của năm 2009 là tiến độ XK được rải tương đối đều trong các tháng, không xuất ồ ạt trong cùng thời điểm. Nhờ đó DN và bà con nông dân đã tránh được thiệt hại khi bán giá thấp. “Điểm khác biệt nữa là ngành hàng hồ tiêu VN không khi nào bán dưới giá sản xuất và đây chính là thành công của ngành hồ tiêu VN” – ông Nam khẳng định.
Trong năm 2009, VPA có 42 DN XK trực tiếp, đạt trên 120.000 tấn, chiếm gần 90% thị phần XK, trong đó có 10 DN XK hàng đầu đạt từ 4.000 – 19.000 tấn, chiếm 60% tổng lượng hàng XK như Cty Phúc Sinh, Ngô Gia, Olam, Intimex HCM, Nedspice… Thị trường nhập khẩu tiêu VN có sự gia tăng đột biến nhất (đặc biệt là tiêu trắng) gồm Châu Âu và Mỹ.
CẢNH GIÁC TRÒ “BẨN” ĐÒI BỒI THƯỜNG
Theo thống kê của VPA, trong quý I/2010 VN đã XK trên 28.000 tấn tiêu các loại, kim ngạch đạt 85 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2009 lượng XK chỉ tăng 4,5% (trên 1.200 tấn) nhưng kim ngạch lại tăng tới 30% (19,4 triệu USD). Giá XK bình quân cũng tăng ấn tượng: Tiêu đen đạt 2.809 USD/tấn (tăng trên 560 USD/tấn) và tiêu trắng đạt 3.949 USD/tấn (tăng trên 380 USD/tấn).
Tuy nhiên, nhiều DN XK hồ tiêu cảnh báo, mặc dù thị trường và giá cả hồ tiêu đang rất thuận lợi (đặc biệt là Trung Quốc có nhu cầu mua rất lớn khiến giá đẩy lên), nhưng dứt khoát DN không được chủ quan. Ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Cty Phúc Sinh (đơn vị XK tiêu nhiều nhất trong năm 2009) khẳng định: “DN hồ tiêu không được ngủ quên trên chiến thắng, vì mặc dù kinh tế thế giới có hồi phục nhưng ở trạng thái bấp bênh, mong manh dễ vỡ và khủng hoảng kinh tế có thể trở lại bất cứ lúc nào khiến giá tiêu bị tác động mạnh”.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VPA: Để tiến tới phân phối trực tiếp, tạo giá trị gia tăng, ngành hồ tiêu VN đang kiến nghị Chính phủ cho phép DN lập kho ngoại quan tại một số khu vực mua bán lớn tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ với các chính sách, cơ chế ưu đãi và thuận lợi kèm theo. Nếu thực hiện được, VN sẽ phá vỡ được quy luật giá lên cao rồi lại xuống thấp gây thiệt cho ngành trong nhiều năm qua, đồng thời đảm bảo điều tiết giá ổn định và luôn có lợi cho cả nông dân và DN ngành hồ tiêu VN. |
Đặc biệt, các DN còn cảnh báo nhiều đối tác nhập khẩu nước ngoài đã có nhiều hành vi chơi “bẩn” khi vu khống cho DN XK của VN. Ông Nguyễn Đức Thụ - Giám đốc Cty XK hồ tiêu Trường Lộc (TPHCM) cho biết, ông đã từng bị một đối tác bên Đức giữ trái phép (tại cảng của Đức) để đòi bồi thường 12.000 USD vì cho rằng lô hàng của Trường Lộc bị hư hỏng.Tuy nhiên, khi ông Thụ làm căng và đưa ra các bằng chứng, đối tác bên Đức đã “quay ngoắt” thừa nhận số hàng đó không phải của Trường Lộc! Một DN khác cũng cho biết, khi ông đi công tác bên Hà Lan lập tức bị đối tác giữ lại đòi bồi thường với lý do 2 container của Cty ông giao bị mốc. Sau khi xem xét kỹ, DN này chứng minh hàng của mình khi XK hoàn toàn đảm bảo chất lượng, đến lúc đó đối tác Hà Lan lại “tỉnh queo” thừa nhận do lúc vận chuyển bên Hà Lan 2 container của họ đã bị dính nước!
Ngoài ra VPA cũng khuyến cáo, trong bối cảnh thị trường giá cả diễn biến phức tạp, lưu thông xuất nhập khẩu có thể xảy ra hiện tượng “làm giá” làm mồi cho giá xuống. Bà con nông dân và DN không hoang mang, nên hạn chế bán ra khi giá thấp; phối hợp, liên kết nhau điều tiết lượng bán ra phù hợp theo nhu cầu, giá cả thị trường. Đây chính là bài học thành công lớn của ngành hồ tiêu trong năm 2009.