Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khóc ròng vì lúa ế
04 | 06 | 2010
Nông dân ĐBSCL lại khốn đốn vì lúa cũ tồn kho, lúa hè thu sớm ngập bồ nhưng không bán được vì thương lái từ chối mua

Hoạt động thu mua lúa hè thu sớm hiện nay tại ĐBSCL đang trong cảnh đìu hiu. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo và thương lái đồng loạt ngưng mua khiến hàng trăm ngàn tấn lúa cũ và lúa hè thu sớm của nông dân bị tồn ứ. Người dân địa phương cho rằng tình trạng trên xảy ra là do có thông tin Hiệp hội Lương thực VN (VFA) ngưng mua lúa tạm trữ.

Thảm cảnh được mùa - rớt giá lại xảy ra khiến nông dân ĐBSCL điêu đứng
 
Giảm giá bán, thương lái vẫn chê
 
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp... đã thu hoạch hơn 50.000 ha lúa hè thu sớm, năng suất trung bình hơn 5 tấn/ha. Khoảng giữa tháng 6 này, nhiều nơi sẽ thu hoạch rộ. Mới đầu vụ nhưng lúa bán chẳng ai mua, nhiều nông dân chấp nhận bán tháo, chịu lỗ nhằm có tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu... cho vụ mới nhưng cũng không được.
 
Ông Lê Văn Hớn, ở xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đang lâm vào cảnh túng quẫn vì hơn 6 tấn lúa hè thu sớm đã thu hoạch mấy tuần nay bán không được, trong khi đội ngũ thương lái vẫn biệt tăm. Ông Hớn bức bối: “Dù tôi đã giảm giá còn 3.800 đồng/kg vẫn không bán được. Mà có bán được giá đó thì cũng lỗ te tua!”.
 
Tương tự, nhiều nông dân ở các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và một phần ngoại thành TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cũng đang điêu đứng. Nông dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa thu hoạch hơn 5.000 ha lúa hè thu sớm cũng chung cảnh ngộ. Nhiều hộ chạy tìm mối lái quen thân, năn nỉ nhờ mua giúp để lấy tiền đưa con đi thi nhưng đều bị từ chối. “Túng quá, tôi đành vay tiền cho con lên huyện thi tốt nghiệp. Sắp tới, tụi nhỏ lại lên tỉnh ôn luyện và thi đại học, mọi chi phí chỉ biết dựa vào hạt lúa nhưng cảnh lúa ngập bồ mà không bán được như thế này cứ tái diễn, nông dân chúng tôi khốn đốn mãi thôi” - ông Huỳnh Văn Được, một nông dân ở huyện Tháp Mười, bức xúc.
 
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết lúa hè thu sớm đạt năng suất 5,6 tấn/ha, chất lượng không thua kém gì lúa đông xuân. Trong tháng 6 này, tỉnh sẽ thu hoạch rộ lúa hè thu. Nếu VFA không có chính sách đẩy mạnh thu mua lúa cho dân, tình hình chắc chắn sẽ bi thảm hơn.
 

Còn “sức” vẫn ngưng mua (?)

 
Ông Thái Minh Hùng, một lái lúa lớn ở Sóc Trăng và Hậu Giang, thừa nhận cơ sở của ông đã ngừng thu mua cả tuần nay do các nhà máy “mối ruột” đã ngưng nhập kho vì hết đơn đặt hàng từ các DN xuất khẩu gạo. “Giá lúa có chiều hướng xuống thấp trong những ngày qua là do đầu ra đang bị tắc. Một số DN xuất khẩu gạo chỉ nhận mua lúa đông xuân nên thương lái chúng tôi không thể mua lúa hè thu sớm được.
 
Cơ sở nào có kho chứa thì mới dám bỏ tiền ra mua lúa về trữ chờ giá lên nhưng làm như thế mạo hiểm lắm” - ông Hùng phân trần. Nhiều thương lái ở An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ cũng cho rằng lúa đông xuân vẫn còn trong dân rất nhiều nên họ không “dại” gì mua lúa hè thu sớm vốn khó bán, nguy cơ bị lỗ cao.
 
Bà Nguyễn Thị Thơm, một lái lúa ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Ơ các xã vùng sâu, lúa đông xuân trong dân còn rất nhiều. Mấy “ông” DN xuất khẩu và nhà máy xay xát tạm ngưng thu mua rồi. Một ít nơi còn xay xát gạo ăn nhưng mua vào ít lắm, giá lúa cũng đã giảm dưới 3.900 đồng/kg”.
 
Theo đại diện của một DN xuất khẩu gạo tại TP Cần Thơ, xuất khẩu gạo đang bị kẹt vì giá gạo thế giới giảm. Do vậy, các DN bị áp lực tồn kho rất lớn nên chẳng DN nào dám tiếp tục mua vào dù sức mua vẫn còn.
 
TS Lê Văn Bảnh cho rằng VFA ngưng mua tạm trữ vì thiếu kho chứa, chứ lúa trong dân vẫn còn. “Nếu dân hết lúa, giá tự nhiên sẽ tăng lên vùn vụt và cán mức 5.000 đồng/kg trở lên chứ không phải dưới 4.000 đồng/kg như hiện nay” - ông Bảnh phân tích.
 
Nông dân sẽ đối mặt nhiều bất lợi
 
Tại TP Long Xuyên (An Giang) ngày 3-6, VFA đã họp HĐQT mở rộng, sơ kết xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm, bàn kế hoạch xuất khẩu tháng 6 và phương án tiêu thụ lúa hè thu. Theo TTXVN, hội nghị đã thống nhất dự kiến trong tháng 6-2010, VFA sẽ xuất khẩu 700.000 tấn gạo, nâng tổng sản lượng xuất khẩu của 6 tháng đầu năm đạt 3,35 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 300.000 tấn.
 
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho biết: Trong tháng 5-2010, các DN đã xuất khẩu thêm 712.007 tấn gạo, giá gạo xuất khẩu bình quân 417,74 USD/tấn, đạt giá trị FOB trên 297,4 triệu USD (giá trị CIF 321,692 triệu USD), nâng tổng sản lượng xuất khẩu gạo trong 5 tháng qua là 2,689 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 454,03 USD/tấn, tăng 42,54 USD/tấn so với năm 2009.
 
Tại cuộc họp, HĐQT VFA và các DN đều bày tỏ lo lắng về việc đưa ra giá mua lúa vụ hè thu cho nông dân. Bởi đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành giá thành sản xuất vụ lúa đông xuân 2009 - 2010, trong khi vụ hè thu đã vào mùa thu hoạch, gây khó khăn cho VFA và các DN.
 
Theo nhận định của VFA, trong quý II/2010, dù giá gạo tăng nhẹ nhưng thị trường xuất khẩu đang sụt giảm. Bên cạnh đó, chất lượng gạo vụ hè thu thấp, trong khi lượng gạo tồn kho vụ đông xuân còn nhiều nên việc tiêu thụ và giá lúa sẽ bất lợi cho nông dân.


Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường