Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản: Càng gỡ càng rối
17 | 06 | 2010
Ngày 16-6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá công tác kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN), thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y và kiểm tra lò mổ. Những chuyện nóng bỏng về chất lượng phân bón kém chất lượng, thuốc BVTV giả tăng; dư lượng thuốc trừ sâu trên rau vẫn còn; tỷ lệ quản lý, kiểm soát cơ sở giết mổ động vật thấp... dù đã bàn thảo, tìm giải pháp nhiều lần nhưng dường như càng gỡ càng rối.
Vi phạm bị phát hiện như muối bỏ bể
Nhận định về công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng phân bón của Cục Trồng trọt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo ngại: "Việc phát hiện vi phạm chỉ như muối bỏ bể, chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn lô hàng, cửa hàng vi phạm trên cả nước". Nhận định này được minh chứng bằng con số trong 6 tháng đầu năm 2010, các đoàn kiểm tra của 9 sở NN&PTNT các tỉnh lấy 383 mẫu phân bón thì có tới 138 mẫu chất lượng không đạt so với tiêu chuẩn công bố. Năm 2009, gần 50% mẫu phân bón được lấy để kiểm tra có thành phần dinh dưỡng kém chất lượng so với quy định. Cá biệt, có sản phẩm phân bón tiêu chí dinh dưỡng giảm tới 50%. Các lỗi vi phạm thường là không đủ điều kiện về mặt bằng nhà xưởng, công nghệ lạc hậu; vi phạm về nhãn mác, chất lượng sản phẩm... "Hầu hết đơn vị sản xuất phân bón không có phòng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hoặc chưa hợp đồng với cơ quan phân tích chất lượng để tự kiểm tra chất lượng cho từng lô hàng trước khi xuất xưởng" - ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.

 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dư lượng thuốc trừ sâu trên rau mấy năm nay là rất bức xúc, nói nhiều nhưng chưa chuyển biến. Cục BVTV phải xác định trách nhiệm đến từng cán bộ và có hành động cụ thể chứ không nói suông. Bộ trưởng yêu cầu lập hệ thống hồ sơ, xây dựng lại hệ thống quản lý cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Nếu trong ba lần kiểm tra liên tục không có vi phạm thì 2 năm sau kiểm tra lại. Đối với cơ sở vi phạm thì ngay tháng sau kiểm tra lại, nếu vẫn vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh.

Một vấn đề khác cũng được người dân quan tâm và đại biểu dự hội nghị hết sức quan ngại là chất lượng thuốc BVTV và dư lượng thuốc trừ sâu trên rau. Cục BVTV cho biết, từ năm 2009 đến nay, hiện tượng sản xuất, buôn bán thuốc BVTV giả gia tăng, trong khi hầu hết các loại thuốc này có nhu cầu sử dụng cao trong sản xuất. Gần đây, Thanh tra chuyên ngành BVTV phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 9 cơ sở buôn bán thuốc giả tại tỉnh An Giang và 3 cơ sở tại tỉnh Đồng Tháp. Đối với dư lượng thuốc BVTV trên rau, theo Cục phó Cục BVTV Bùi Sỹ Doanh, thuốc BVTV khác phân bón ở chỗ được quy định chặt chẽ về liều lượng phun, nếu phun quá sẽ gây tác dụng ngược. Hiện có quá nhiều cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Riêng thuốc BVTV đã có tới 1.000 hoạt chất được đăng ký sử dụng, với 2.700 tên thương mại, 25 nghìn đại lý kinh doanh, rất khó quản lý.


Kiểm soát cơ sở giết mổ kém, giá TĂCN "nhảy múa"
Mặc dù sản phẩm từ gia súc, gia cầm như thịt lợn, thịt gà... có trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình nhưng tỷ lệ kiểm soát cơ sở giết mổ cung cấp ra thị trường chất lượng những sản phẩm này vẫn thấp. Thống kê của Cục Thú y cho biết, trong 17.129 cơ sở, điểm giết mổ của 48 tỉnh, TP thì mới kiểm soát được 7.281 cơ sở, chiếm 42,5%. Đáng lo ngại, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm 96,4% nên công tác quản lý, kiểm soát càng gặp nhiều khó khăn. Tại Hà Nội, kết quả kiểm tra của Cục Thú y từ 69 mẫu thịt lợn thời gian vừa qua cho thấy, có tới 37 mẫu nhiễm S.aureus (tụ cầu khuẩn), vượt quá giới hạn cho phép; 41/69 mẫu thịt gà nhiễm S.aureus. Ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do chưa quy hoạch, xây dựng được hệ thống giết mổ tập trung hoặc có nhưng hoạt động cầm chừng, không hiệu quả; lực lượng cán bộ kiểm soát giết mổ quá mỏng; đầu tư cho hoạt động giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được coi trọng đúng mức, cả nước mới có 5 chi cục thú y được đầu tư thiết bị kỹ thuật để thực hiện hoạt động này...

Ngoài ra, hội nghị cũng đề cập đến tình trạng giá TĂCN từ đầu năm nay tăng 4 lần, gây nhiều khó khăn cho nông dân. Nguyên nhân được xác định là do chúng ta không chủ động được nguồn nguyên liệu; các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ từ 65-70% thị phần TĂCN. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay công nghệ sản xuất chất phụ gia premix đều do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, vì vậy họ không có đối thủ cạnh tranh ở Việt Nam nên đã nắm thị trường, khống chế giá cả, gây khó khăn cho các nhà máy chế biến TĂCN trong nước.



Theo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường