Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo kinh tế thế giới năm 2007 sẽ tiếp tục tăng trưởng
05 | 09 | 2007
WB, IMF và ADB đã có những dự báo và cái nhìn tổng quan về kinh tế thế giới năm 2007
Triển vọng tăng trưởng
Năm 2007, nền kinh tế Mỹ được dự báo là sẽ có mức lạm phát thấp. Trái lại, thâm hụt tài khoản vãng lai có thể là một vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách khi tháng 9 năm nay, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ gia tăng nhanh hơn hàng nhập khẩu và thâm hụt cán cân mậu dịch lại tăng lên. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng hàng nhập khẩu đều tăng.
Nền kinh tế của các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu cũng có một giai đoạn tăng trưởng mạnh, được đánh dấu bằng con số 2,6% của năm 2006. Trong năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước này được dự báo là sẽ chậm lại gần mức tiềm năng là 2% và lạm phát cũng sẽ được kềm chế ở mức thấp, tài khoản vãng lai gần như đạt được sự cân bằng. Sở dĩ GDP của các nước này tăng mạnh trong năm nay là do có sự gia tăng mạnh mẽ của cả xuất khẩu lẫn nhu cầu nội địa.
Bất chấp các hoạt động kinh tế đều diễn ra mạnh mẽ, lạm phát bình quân vẫn ở mức 2,3% vào thời điểm cuối tháng 9 và bằng với tốc độ lạm phát của năm trước. Trong năm 2007, con số này được dự báo là sẽ tiếp tục được duy trì, nghĩa là cao hơn một chút so với mức lạm phát mục tiêu mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra là 2%.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nửa đầu năm 2006 đã giữ cho tài khoản vãng lai gần như cân bằng. Mặc dù vậy, sự tăng mạnh của nhu cầu nội địa có khả năng sẽ tạo ra một sự thâm hụt nhẹ vào năm 2007.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á được dự báo là sẽ chậm lại trong năm 2007 do chịu ảnh hưởng từ xu hướng chung của các nền kinh tế lớn. Bên cạnh sự sụt giảm trong nhu cầu bên ngoài thì nhu cầu nội địa cũng có xu hướng tăng trưởng chậm lại do đầu tư bị kìm hãm bởi xuất khẩu giảm sút.

Tuy nhiên, chi tiêu dùng được dự báo là sẽ phục hồi nhanh chóng hơn. Tăng trưởng GDP bình quân của các nền kinh tế Đông Á được dự báo là sẽ chậm lại vào năm 2007 ở mức 7,0% so với 7,7% của năm nay.

Kinh tế Nhật bản và Trung Quốc được dự báo là sẽ tăng trưởng một cách ôn hòa trong năm tới. Tại Nhật Bản, bất chấp động lực tăng trưởng kinh tế có chiều hướng giảm sút thì tăng trưởng GDP năm 2006 vẫn đạt mức 2.8%. Nếu nền kinh tế đạt tới mức sản lượng toàn dụng thì tăng trưởng GDP sẽ giảm nhẹ và đạt mức 2.4% trong năm 2007.
Sự hồi phục trong nhu cầu tiêu dùng nội địa được thể hiện bằng sự gia tăng mạnh mẽ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và nhà sản xuất sẽ phần nào bù đắp sự giảm sút trong xuất khẩu. Điều này sẽ làm tăng nhập khẩu và do đó sẽ có tác động tích cực đến các nước trong khu vực (do Nhật Bản nhập khẩu 9.8% lượng hàng hóa xuất khẩu trong vùng).
Ở Trung Quốc, triển vọng cho thấy sẽ có một sự chuyển đổi tương đối êm dịu từ tốc độ tăng trưởng 10.4% của năm nay xuống mức 9.5% trong năm tới. Mặc dù đầu tư có phần giảm sút nhưng chi tiêu dùng và xuất khẩu vẫn tăng mạnh sẽ đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại nhưng vẫn rất mạnh mẽ.
Những rủi ro tiềm ẩn
Hàng loạt các rủi ro tiềm ẩn được dự báo sẽ đe dọa triển vọng tăng trưởng ổn định và bền vững của kinh tế thế giới kể trên.
Thứ nhất, nguy cơ nền kinh tế Mỹ sẽ lâm vào tình trạng tăng trưởng trì trệ hơn mức dự báo do lạm phát kéo dài và sự giảm sút trong thị trường nhà đất. Thậm chí các nhà phân tích còn dự báo khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng với nguy cơ cao hơn so với năm 2006.
Thứ hai, nền kinh tế thế giới rất dễ bị tổn thương trước tình trạng mất cân đối trong cán cân thanh toán toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng.
Thứ ba, rủi ro từ tính bất ổn của thị trường tài chính đe dọa sự ổn định của môi trường kinh tế toàn cầu. Trong khi đó thì thị trường tài chính toàn cầu đang ngày càng dễ bị tác động bởi nguy cơ suy thoái ở Mỹ, sự trượt giá của đồng đô la và một đường lối không chắc chắn của chính sách tiền tệ Mỹ.

Thứ tư, nguy cơ của một cú sốc giá dầu khác có thể xảy ra và khi đó sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát các nước. Mặc dù nhu cầu giảm thấp đã làm giảm áp lực lên giá cả năng lượng nhưng sản lượng cung vẫn bị siết chặt khiến các nhà cung cấp dầu mỏ sẵn sàng tăng giá bán.

Và cuối cùng là rủi ro của đại dịch cúm gia cầm và sự căng thẳng leo thang về vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên.


Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường