Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), hiện ngành rau quả nước ta chỉ biết tập trung sản xuất rồi bán ra thị trường theo mùa vụ mà thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, thiếu sự đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm phục vụ cho thị trường trong nước hay xuất khẩu.
Hiện thời gian để vận chuyển trái cây từ nhà vườn đến siêu thị, chợ hay cửa hàng bán lẻ chỉ chưa đến một ngày, nhưng chỉ sau vài ngày những trái cây này không còn tươi, trong khi cùng khoảng thời gian đó trái cây nhập khẩu vẫn còn tươi,giữ được màu sắc nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo đại diện Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, khách hàng châu Âu khi mua trái cây của Việt Nam thường yêu cầu doanh nghiệp phải giao hàng đúng hạn. Cụ thể như, thời gian để trái thanh long Việt Nam đến với người tiêu dùng châu Âu nhiều nhất là khoảng 25 ngày trong khi loại quả này chỉ duy trì chất lượng tốt trong 20 ngày. Theo ông Kỳ, để duy trì được chất lượng tốt cho sản phẩm tươi xuất khẩu phải nhờ vào công nghệ sau thu hoạch.
Một khó khăn mà ông Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển quản trị, Đại học Kinh tế TPHCM nêu ra tại hội nghị là hiện tại sản lượng xuất khẩu rau quả của nước ta còn khá thấp so với các nước trong khu vực nhưng doanh nghiệp lại cạnh tranh bằng cách giảm giá để giành hợp đồng bán hàng. “Nếu tình trạng này còn kéo dài thì các sản phẩm rau quả của nước ta khó có thể tồn tại lâu trên thị trường xuất khẩu. Cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao giá trị cho các sản phẩm của mình bằng thực hành sản xuất tốt, thiết kế bao bì cũng bảo quản sau thu hoạch là cách cạnh tranh tốt nhất”, ông Lam nói.