Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường Tết 2007: Khó kiểm soát giá và chất lượng thực phẩm
26 | 07 | 2007
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán luôn làm đau đầu các cơ quan hữu quan, và Tết Đinh Hợi này cũng không là ngoại lệ.

Theo dự báo của Bộ Thương mại, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong tháng Tết 2007 sẽ tăng khoảng 30% so với các thời điểm khác trong năm. Con số này gần như ngang bằng giữa các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng…

Bất ổn nguồn cung

Riêng thị trường nông sản – thực phẩm cuối năm nay còn có một số đặc thù khác mà ngành thương mại và các doanh nghiệp, các chợ nông sản phải tính đến ngay từ thời điểm này.

Thứ nhất, mặc dù nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nhân dân vào dịp Tết những năm gần đây (và năm nay) tăng không đáng kể song các mặt hàng thực phẩm như rau quả, thịt gia súc, gia cầm… sẽ gặp khó khăn về nguồn cung.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu xuất phát từ các đợt thiên tai, bão lụt dẫn đến công tác chăn nuôi, trồng trọt trong nhân dân gặp khó khăn.

Riêng thành phố Hà Nội, nguồn cung về rau quả sẽ đặc biệt khó khăn sau khi trận mưa đá hồi giữa và cuối tháng 11 tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc đã phá hỏng phần lớn diện tích gieo trồng rau màu của bà con nông dân.

Từ khả năng thiếu hụt thực phẩm tươi sống sẽ dẫn đến khó khăn thứ hai là giá cả tăng vọt. Sở Thương mại Hà Nội dự báo, lượng thực phẩm thiết yếu cung cấp cho thị trường thành phố trong tháng Tết nguyên đán sẽ tăng khoảng trên 10%.

Cụ thể sẽ có khoảng 10.00 - 12.000 tấn thịt lợn, 1.800 - 2.000 tấn thịt bò, 3.000 - 3.500 tấn thủy hải sản, 38.000 - 40.000 tấn rau quả...

Mặc dù theo dự báo của ngành thương mại, giá cả của một số mặt hàng thực phẩm chính chỉ tăng khoảng 10-20%, song theo đại diện một số đầu mối phân phối nông sản tại các thành phố lớn, giá cả thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán có thể sẽ tăng đến trên 30% do nguồn cung thiếu hụt.

Kiểm soát chất lượng: Đừng chỉ làm trên ngọn

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thì vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới là công tác gặp nhiều khó khăn nhất.

Hiện nay, tâm lý mua sắm tại hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại đang tăng cao do người dân tin tưởng hơn về chất lượng hàng hóa. Thế nhưng, nguồn cung từ hệ thống này không lớn, chỉ đạt mức trung bình 10% nhu cầu thị trường, riêng Tp.HCM đạt khoảng 13% và Hà Nội đạt khoảng 8%. Do đó, hầu như dịp Tết nguyên đán năm nào các siêu thị và trung tâm thương mại cũng rơi vào tình trạng quá tải.

Như vậy, rõ ràng vấn đề bình ổn thị trường sẽ phụ thuộc vào hệ thống chợ, trong đó các chợ đầu mối nông sản nắm vai trò quyết định. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nông sản – thực phẩm ở đây lại gặp phải quá nhiều khó khăn.

Trao đổi với VnEconomy, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện mới được các cơ quan hữu quan như thương mại, y tế, công an thực hiện ở trên ngọn.

Theo ông Phú, cho dù ngành thương mại có dốc toàn lực nhằm kiểm tra, kiểm soát hệ thống các chợ, cửa hàng thì giỏi lắm cũng chỉ kiểm soát được vài ba chục phần trăm. Một hình ảnh dễ nhận thấy nhất là mỗi sáng sớm hàng loạt xe thồ, xe máy chở thịt lợn, chở rau quả đến các chợ để bán mà không ai kiểm soát nổi.

Do đó, để kiểm soát chất lượng nông sản – thực phẩm cho thị trường Tết nguyên đán, các cơ quan liên quan như thương mại, y tế và công an phải phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau. Giải pháp bao quát và cơ bản nhất là phải làm từ gốc chứ không thể làm trên ngọn như việc lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, cán bộ y tế đi đóng dấu chất lượng thực phẩm…

Vậy giải pháp đó là gì?

Để đảm bảo nguồn cung, theo ông Phú, các thành phố lớn nên rỡ bỏ các rào cản về giao thông nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào từ các vùng nông thôn; không để cảnh xe chở hàng của doanh nghiệp khi vào đến thành phố phải mất thêm vài giờ đồng hồ vì bị kiểm tra giao thông, kiểm tra hàng hóa một cách máy móc…

Vấn đề chất lượng hàng hóa nên được phối hợp thực hiện từ cơ sở, từ các địa phương và từ chính các nguồn cung, thậm chí là từng hộ gia đình. Bởi lẽ, nếu chỉ kiểm tra khi hàng hóa đưa ra tiêu thụ, cơ quan chức năng sẽ không thể đủ lực lượng để thực hiện. Vấn đề là, phải làm sao để cơ sở sản xuất hay hộ gia đình nào được chứng nhận mới được phép cung cấp hàng hóa ra thị trường.

Tiếp theo, các thành phố, thị xã cần có quỹ hàng hóa (hoặc tài chính) dự phòng để có thể bình ổn thị trường ngay khi rơi vào tình trạng thiếu hụt.



Theo TBKTVN
Báo cáo phân tích thị trường