Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo rục rịch tăng giá
10 | 08 | 2010
Thông tin về nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng cao vừa được các phương tiện truyền thông công bố, giá gạo ở nhiều điểm bán lẻ ở TP.HCM đã rục rịch tăng.

Một độc giả ngụ ở Q.12 (TP.HCM) cho biết: “Tôi vừa đi mua gạo, thấy giá đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg, từ 13.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg. Tôi thắc mắc nhưng điểm bán lẻ không biết lý do vì sao giá tăng”. Theo ghi nhận của Thanh Niên ngày 9.8, giá gạo tại một số đại lý đã bắt đầu nhích lên. Các đại lý gạo trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) cho biết: Do biến động của thị trường gạo xuất khẩu nên gạo đầu vào các đại lý đều tăng khiến đầu ra cũng tăng nhẹ. Nhân viên đại lý gạo Thanh Phong (đường Tô Hiến Thành, Q.10) cho biết: “Giá gạo tăng cả tuần nay rồi. Giá tăng trung bình 500 đồng/kg”. Một chủ đại lý khác thừa nhận: “Mức tiêu thụ gạo rất chậm, các đại lý bán yếu lắm nhưng giá gạo nhập về tăng nên bán ra cũng phải tăng”.

Tại TP.HCM, gạo là một trong 9 mặt hàng được TP bình ổn giá thông qua việc cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để bình ổn thị trường. Ông Huỳnh Công Thành - Giám đốc Công ty lương thực TP.HCM khẳng định: “Dù giá gạo trên thị trường có biến động nhưng hệ thống FocoMart của Công ty lương thực TP vẫn thực hiện đúng giá bán đã đăng ký theo chương trình bình ổn. Tổng số gạo tham gia chương trình này khoảng 2.000 tấn các loại, mức giá công bố từ 6.500 đồng đến 9.500 đồng/kg tùy loại. Khi thị trường có dấu hiệu tăng giá, tôi đã họp thông báo các điểm bán không được nâng giá để đảm bảo thực hiện đúng cam kết”. Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng cho biết: “Saigon Co.op cam kết bình ổn giá gạo với giá thấp hơn thị trường ít nhất là 10%. Theo kế hoạch, Saigon Co.op đã chuẩn bị gần 10.000 tấn lương thực, trong đó lượng gạo dự trữ gần 2.200 tấn”.

Ngoài hệ thống Co.op Mart, Co.op Food, FocoMart, chương trình bình ổn mặt hàng gạo ở TP.HCM còn được triển khai ở 66 điểm bán của Tổng công ty thương mại Sài Gòn, 20 điểm bán của Công ty Vinh Phát... Dự báo trước tình trạng nhiều người đầu cơ sẽ “té nước theo mưa” đẩy giá gạo lên cao để trục lợi, ông Trương Thanh Phong - Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam, đã cảnh báo các công ty thành viên: “Tình hình xuất khẩu gạo gia tăng có thể sẽ làm xảy ra tình trạng thiếu gạo, sốt giá gạo trong nước vào các tháng cuối năm, do đó các doanh nghiệp phải sẵn sàng can thiệp thị trường trong nước một khi có biến động khan hiếm, sốt giá”.



Theo Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường