Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỏa mù xuất khẩu lúa gạo
16 | 08 | 2010
Giá lúa gạo ở ĐBSCL đã lên mức nông dân có thể phấn khởi. Nói có thể, bởi ở một số vùng sâu vùng xa, nông dân vẫn phải bán giá thấp và lỗ. Số nông dân có khả năng và điều kiện vẫn giữ lúa với hy vọng bán được giá cao hơn. Rõ ràng, lúa hàng hóa trong dân còn nhiều.

Trong lúc đó, ngày 9-8, họp giao ban trực tuyến tại Hà Nội, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kêu lên: “Có khả năng ảnh hưởng đến an ninh lương thực”. Ông Huệ đang đề cập đến con số do VFA đưa ra là mới đây đã xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc 600.000 tấn gạo, đẩy giá lúa tăng và “có khả năng làm mất cân đối cung cầu trong nước”.

Trước đó, ngày 6-8, tại cuộc họp về đánh giá xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong đã liên tục nhắc đến mối lo ngại Trung Quốc sẽ mua một triệu tấn gạo của Việt Nam “gây tác động đến an ninh lương thực”.

Như thế, đang có hai tiếng nói trái ngược nhau về lúa gạo ở ĐBSCL. Nông dân và quan chức địa phương cho rằng, chưa cần lo về an ninh lương thực mà lo hơn là về giá lúa để nông dân có lời khá hơn. Còn VFA lo về “an ninh lương thực”. VFA lo an ninh lương thực quốc gia là tốt thôi, dù mấy chục năm qua chưa bao giờ VFA thực sự lo toan điều này, vì an ninh lương thực, trước hết và căn bản nhất là an ninh cho cuộc sống của người nông dân.

Vấn đề còn là con số 600.000 tấn gạo xuất tiểu ngạch do VFA đưa ra. TS Trần Tiến Khai ở Đại học Kinh tế TPHCM nói: “Tôi không tin là trong thời gian ngắn (một tháng?) mà họ có thể mua được số lượng lớn như vậy? Chí ít, thị trường sẽ náo động, hệ thống vận tải (đường thủy, bộ) cũng sẽ vậy”. Thực tế, ngày 23-7, PV Tiền Phong về huyện Vĩnh Thạnh, một trọng điểm lúa của TP Cần Thơ, giá lúa còn thấp, nông dân vẫn khó bán.

Cũng ông Phó Chủ tịch VFA Huỳnh Minh Huệ cho biết, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, đến hết tháng 7 đã giao 4 triệu tấn, những tháng cuối năm giao thêm 2 triệu tấn nữa. Hiện VFA đã có lượng gạo rất lớn trong kho. Tại sao chỉ 600.000 tấn xuất tiểu ngạch (nếu có) mà VFA phải lo lắng? Sự lo lắng ấy thật sự vì “an ninh lương thực quốc gia” hay lý do gì?

Điều có thể khẳng định ở đây, giá lúa gạo tăng ở ĐBSCL có sự đóng góp đáng kể của việc xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, dù số lượng xuất bao nhiêu cần kiểm chứng. Việc mua lúa tạm trữ một triệu tấn quy gạo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mới được chừng một nửa, chứng tỏ lợi ích nông dân đang có được không do vị trí độc quyền “một mình một chợ” của VFA đem lại.

Vậy cần cảnh báo hiện nay là, các doanh nghiệp đang xuất tiểu ngạch cần hết sức thận trọng để tránh bị dồn ứ tại cửa khẩu như từng xảy ra với nhiều nông sản khác, gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp và ảnh hưởng tới nông dân.

Còn những tiếng kêu với thông tin thiếu kiểm chứng chỉ cho thấy thị trường lúa gạo nước ta vẫn thiếu minh bạch. Một thị trường thiếu công khai minh bạch luôn luôn không có lợi cho người kinh doanh chân chính, càng không có lợi cho người sản xuất là nông dân.

Nhớ lại ý tưởng lập sàn giao dịch lúa gạo tại Festival Lúa gạo hồi cuối năm 2009 ở tỉnh Hậu Giang, để hy vọng xây dựng thị trường minh bạch, đến nay vẫn là con số không. Một vị lãnh đạo ở tỉnh Hậu Giang cho biết: “Do VFA không ủng hộ”.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường