Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải bài toán thức ăn chăn nuôi
19 | 08 | 2010
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 50% nguyên liệu phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN).

Do phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá TĂCN trong nước luôn bị chi phối bởi giá thị trường thế giới. Điều đó giải thích tại sao giá TĂCN vẫn "leo thang" trong thời gian qua, mặc dù tình hình chăn nuôi trong nước có dấu hiệu chững lại do dịch bệnh.

Nặng về nhập khẩu

Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 ngành chăn nuôi nước ta cơ bản chuyển sang hình thức trang trại, công nghiệp. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp năm 2010 đạt khoảng 32%, năm 2015 đạt 38% và dự kiến tới năm 2020 đạt trên 42%. Thế nhưng, một điểm khó để hoàn thành mục tiêu trên là chúng ta chưa tự chủ được lượng TĂCN, trước hết là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết: "Những năm gần đây, chăn nuôi Việt Nam có bước phát triển nhưng tỷ trọng trong nông nghiệp vẫn còn thấp, dịch bệnh xảy ra nhiều. Hơn nữa, chúng ta còn phải nhập khẩu nguyên liệu TĂCN quá lớn. Chỉ trong vòng 4 năm qua (2006 - 2009), nước ta đã nhập gần 20 triệu tấn nguyên liệu TĂCN". Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm2010, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN đạt 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay Việt Nam có trên 240 nhà máy sản xuất, chế biến TĂCN. Năm 2009 sản xuất được 9,5 triệu tấn và trong 6 tháng đầu năm 2010, số lượng này đạt 4,9 triệu tấn. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Lượng thức ăn này mới đảm bảo được gần 50% nhu cầu lượng thức ăn tinh cung cấp cho đàn gia súc, gia cầm. Điều đáng lưu ý ở đây là trên 50% nguyên liệu sản xuất TĂCN này lại được nhập khẩu. Tuy chúng ta có lúa gạo xuất khẩu nhưng sản lượng ngô trồng chỉ đáp ứng khoảng 75 - 80%cho nhu cầu sản xuất TĂCN. Các loại thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu cũng nhập tới 90 - 95%; premix, khoáng, vitamin, các chất tạo màu, tạo mùi nhập khẩu 95 - 98%, thậm chí 100% từ bên ngoài. Chính điều này làm cho TĂCN tăng cao trong thời gian vừa qua, gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Xây dựng vùng nguyên liệugắn với chế biến

Ông Giao cho biết: Để đảm bảo tăng trưởng của ngành chăn nuôi 8 - 10%/năm theo Chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 thì yếu tố quyết định là nguồn cung cấp thức ăn, nguyên liệu TĂCN phải ổn định. Hàng năm, nhu cầu nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN không ngừng tăng. Dự toán nhu cầu thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm năm 2010 là 10,9 triệu tấn, năm 2015 là 16,3 triệu tấn và đến năm 2020 là 19,1 triệu tấn.

Do đó, để giải quyết bài toán nguyên liệu cho sản xuất TĂCN, nhiều ý kiến đề nghị xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến ở những nơi có điều kiện thuận lợi phát triển cây nguyên liệu. Chẳng hạn như xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm từ sắn, ngô ở các tỉnh Tây Bắc nhằm khai thác thế mạnh tại chỗ của địa phương. Qua đó chủ động được nguồn TĂCN trong nước, tránh tình trạng chịu áp lực về giá do khan hiếm hàng. Để làm được điều đó, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thuỷ lợi, điện... đặc biệt ở những vùng sâu, vùng cao để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá và nâng cao đời sống của nhân dân.

Cùng với đó tiếp tục nghiên cứu và đưa vào sản xuất các giống ngô, sắn có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương. Hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Đồng thời triển khai các biện pháp tiên tiến trong khâu thu hoạch và bảo quản nông sản để hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất làm giảm chất lượng hàng nông sản bảo quản sau thu hoạch.



Theo Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường