Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Còn nhiều biện pháp giảm giá thức ăn thủy sản
24 | 08 | 2010
Với trên 1 triệu hecta ngô, năng suất bình quân 3,6 tấn/ha, sản lượng trên 3,5 triệu tấn/năm nhưng các DN vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm.

Những tháng đầu năm 2010, tình hình nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh xảy ra nhiều... Mặt khác, giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản liên tục tăng, làm cho các doanh nghiệp đứng trước tình thế phải tăng giá thức ăn nhiều đợt.

Giá thức ăn thủy sản nằm “trong tay” doanh nghiệp nước ngoài

Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay, thức ăn cho thủy sản (TATS) chiếm đến 80% giá thành sản xuất, trong khi đó xuất khẩu thủy sản gặp phải nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, đôla Mỹ sụt giá, nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật do các nước nhập khẩu đặt ra ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi trồng.

Hiện tại, cả nước có 111 nhà máy chế biến TATS, 24 nhà máy chế biến thức ăn cho cá tra nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nắm giữ 65-70% thị phần khiến TATS liên tục bị “làm giá”, tăng đến 4 lần từ đầu năm đến nay, trong khi chất lượng thức ăn giảm, dẫn đến thời gian nuôi kéo dài, thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn cho sản xuất.

Mỗi năm, ngành nuôi trồng thủy sản nước ta cần khoảng 2,4 triệu tấn thức ăn thủy sản. Điều đáng nói là để sản xuất được khối lượng thức ăn này, các công ty, nhà máy chế biến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn nguyên liệu/năm. Do nước ta còn thiếu quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ cho chế biến nên giá thức ăn thủy sản luôn cao hơn 15 - 20% so với các nước trong khu vực.

Đầu năm 2010, khi Bộ Tài chính áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 0- 5% thay vì 0% như trước đó cho một số loại nguyên liệu như bột cá, bột thịt xương, bột mì, bột cám. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã lợi dụng cơ hội này thi nhau tăng giá TATS. Điều này khiến không ít công ty sản xuất TATS nội chỉ nhập khẩu cầm chừng để thực hiện điều chỉnh giá bán trong nước.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam- cho biết: “Các công ty sản xuất thức ăn bắt buộc phải tăng giá bán ra do giá nguyên liệu đầu vào tăng, gần đây xăng dầu tăng càng tác động mạnh tới giá TATS”.

Bà Lê Thị Phúc Hậu, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ sinh học Thiên Thạch- KCN Tân Hương (Tiền Giang), cũng cho rằng: “Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục nên chúng tôi phải tăng giá. Trước mỗi đợt tăng giá, các doanh nghiệp sản xuất TATS lớn thường họp lại nhằm tăng giá mới một cách đồng loạt”.

Thị trường sẽ tăng trưởng

Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, xuất khẩu tôm đông lạnh đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Mặt hàng cá tra, basa mặc dù bị thiệt hại do đồng euro mất giá so với đồng USD nhưng cũng có mức tăng trưởng 12%. Từ đầu năm đến nay, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã đạt trên 15.000 tấn, trị giá hơn 40 triệu USD.

Các chuyên gia ngành Thủy sản nhận định, thị trường Nga đang hồi phục mạnh mẽ sau các cải tổ về xuất khẩu và thủ tục thanh toán. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường Mỹ cũng sẽ tăng lên sau sự cố tràn dầu làm giảm sản lượng khai thác thủy sản nội địa.

 
Ngoài ra, các thị trường truyền thống, dự báo xuất khẩu sang các nước châu Mỹ sẽ tăng cao trong năm 2010. Bên cạnh đó Bắc Phi, Trung Đông cũng là những thị trường đầy tiềm năng.
Với những chỉ tiêu kinh tế khả quan đạt được trong 6 tháng đầu năm 2010 và những thuận lợi về các thị trường xuất khẩu trong các tháng cuối năm với những hứa hẹn người nuôi trồng thủy sản sẽ bán được giá. Do đó, không phải vô cớ mà hầu hết các công ty sản xuất nước ngoài đều đưa ra mục tiêu doanh số trong năm 2010 cao hơn 10- 15% so với năm 2009.

Giám đốc kinh doanh khu vực miền Tây của một công ty thức ăn tôm có nhà máy đóng tại Đồng Nai cho biết: “Mặc dù, công ty đưa ra giá thức ăn tăng liên tục nhưng họ lại đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng hơn so với năm 2009. Cho đến thời điểm này, theo báo cáo hàng quý mới nhất thì các khu vực đều đạt kế hoạch đặt ra”.

Như vậy, có thể nhận định rằng, ngoài sự gia tăng giá cả nguyên liệu sản xuất thức ăn thì sự khả quan trong đầu ra của nghề nuôi trồng thủy sản cũng là nguyên nhân khiến cho giá thức ăn thủy sản tăng. “Dù phải điều chỉnh tăng giá bán thức ăn trong nước nhưng các công ty sản xuất thức ăn nghiên cứu rất kỹ thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước khi đưa ra mức giá tăng phù hợp”- một chuyên gia trong lĩnh vực thức ăn cho biết.

Ông Phan Văn Rết, ngư dân nuôi cá bè tại xã Thới Sơn- Tp Mỹ Tho, khẳng định: “Với giá cá điêu hồng thương phẩm hiện nay khoảng 30-31 ngàn đồng/kg thì giá thức ăn tăng như đầu năm tới giờ cũng không ảnh hưởng nhiều. Quan trọng là vấn đề chất lượng thức ăn phải đảm bảo. Mặc dù, hiện nay giá thức ăn cao gấp đôi so với các năm trước đây nhưng tôi vẫn chọn những thương hiệu thức ăn uy tín cho các bè cá của mình”.

Còn đối với các hộ nuôi tôm ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), do giá tôm thương phẩm cũng đang ở mức cao, người nuôi có lợi nhuận tốt nên khi hỏi “giá thức ăn cao như hiện nay có phải là khó khăn của nghề nuôi tôm không?”, đa số nông dân trả lời “không thành vấn đề” vì hiện nay giá 1kg tôm thương phẩm loại 40con/kg có giá 120 ngàn đồng, với giá này người nuôi còn lãi được khoảng 50 ngàn đồng/kg.

Để ổn định giá thức ăn thủy sản

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thức ăn như: bột cá, bột đậu nành, premix, chất phụ gia và các chất bổ sung khác làm nông dân phải gánh chịu “cơn bão” tăng giá TATS. Hệ thống phân phối sản phẩm của các công ty sản xuất TATS qua nhiều đại lý cấp I, cấp II, rồi chi phí quảng cáo quá nhiều cũng đẩy giá thức ăn tăng lên đáng kể khi tới tay người nuôi thủy sản. Các chi phí này, chẳng ai khác nông dân chính là người phải gánh chịu.

Theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác dẫn đến giá TATS tăng là do ngành nông nghiệp thiếu khả năng quy hoạch phát triển các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho chế biến thức ăn thủy sản.

Năm 2009, nhu cầu về nguyên liệu TATS vào khoảng 17 triệu tấn, trong đó chúng ta chỉ chủ động được 13,3 triệu tấn, nhập khẩu 3,7 triệu tấn (tương đương 20%) và là những mặt hàng có giá tăng cao hàng chục phần trăm.

Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng ngành sản xuất TATS đang gặp phải nghịch lý khi không chủ động được nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp như ngô, đậu tương, thức ăn thô xanh...

Với trên 1 triệu hecta ngô, năng suất bình quân 3,6 tấn/ha, sản lượng trên 3,5 triệu tấn/năm nhưng các DN vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm. Các nguyên liệu khác như: bột cá 60% đạm, vi khoáng, amino acid cũng trong tình trạng tương tự.

Vì vậy, để giảm giá thành TATS trước hết phải đi theo con đường bớt đại lý, bớt quảng cáo và chống các lộ phí trên đường đi. Chỉ riêng việc đóng gói bao bì, nhãn mác cho các loại thức ăn, ví dụ như túi 3kg, túi 5kg… cũng tốn khá nhiều chi phí.

Biện pháp quan trọng nhất vẫn là cần phải phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn, ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa công ty TATS với người nuôi để sản phẩm được giao trực tiếp, không cần tốn tiền cho quảng cáo, bao bì. Thêm vào đó, phải làm sao để giải tỏa hàng nhanh khi hàng về cảng bằng hệ thống kho tàng, bến bãi nhiều, phương tiện vận chuyển hiện đại, chuyên dụng để bớt sức người, giảm phí vận chuyển.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu phải đưa ra được các phương pháp bảo quản tiên tiến để giảm xuống mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch đối với các loại cây nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất TATS. Nông dân hiện chưa nắm được các kỹ thuật bảo quản tốt cộng với điều kiện khí hậu nóng ẩm nên hao tổn sau thu hoạch ở nước ta rất lớn. Ví như ngô được trồng ở vùng núi, khí hậu ẩm, bảo quản không tốt nên chất lượng không đảm bảo do mốc, mọt.

Còn riêng về đậu tương thì do điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật nên nước ta trồng với năng suất rất thấp không thể cạnh tranh được với đậu tương nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn có thể giảm bớt giá thành bằng cách giảm thuế, xây các nhà máy nghiền nát đậu tương để lấy dầu, lấy bã.

Bên cạnh đó là vấn đề quy hoạch các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Trước đây, các cơ quan chức năng quy hoạch chưa rõ ràng, đầu tư thiếu định hướng khiến các nhà máy phân bổ không đều. Nguyên nhân là do các nhà máy được xây dựng theo quy hoạch đầu tư của các tỉnh, nơi nào kêu gọi tốt hơn, thông thoáng hơn thì thu hút đầu tư nhiều.

Vì thế, trong thời gian tới cần có quy hoạch cụ thể số lượng các nhà máy TATS ở từng địa phương để có thể phát triển các nhà máy phân bổ đồng đều nhằm giảm các chi phí vận chuyển dẫn đến giảm giá thành TATS.



Theo Báo Công Thương
Báo cáo phân tích thị trường