Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ xây dựng Luật quản lý giá
14 | 09 | 2010
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - cục trưởng Cục Quản lý giá, nơi này đang xúc tiến xây dựng Luật quản lý giá trình cơ quan chức năng thay cho pháp lệnh giá nhằm tạo môi trường pháp lý công khai, minh bạch, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đưa công tác quản lý giá, chấp hành kỷ luật nhà nước về giá vào nề nếp.

Dự luật mới được xây dựng theo tinh thần để giá cả hình thành và vận động theo các quy luật kinh tế, khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức nhưng phải được bình ổn trong tầm kiểm soát của Nhà nước. Luật sẽ phân cấp quản lý rõ ràng, không chồng chéo giữa Nhà nước và thị trường, giữa trung ương và địa phương, đảm bảo việc quản lý giá của Việt Nam phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế...

* Bộ Tài chính cũng vừa hoàn thành dự thảo nghị định về xử phạt trong lĩnh vực giá. Theo đó, phạt tiền 2-5 triệu đồng đối với hành vi bán hàng, thu phí dịch vụ cao hơn giá niêm yết; phạt 15-20 triệu đồng nếu không kê khai giá hàng hóa, dịch vụ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; phạt 20-30 triệu đồng nếu không đăng ký giá hàng hóa, dịch vụ...

Đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa là xăng dầu, ximăng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học nhằm bán lại thu lợi bất chính bị xử phạt tới 35 triệu đồng nếu hàng hóa mua vét, mua gom có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên...

Nếu tăng giá bán hàng, phí dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nhằm thu lợi bất chính, cá nhân có thể bị phạt 15-20 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên 100 triệu đồng...

Theo thông tư 122, doanh nghiệp chỉ cần tăng giá bất hợp lý, tăng giá cao hơn so với mức tăng giá của các yếu tố đầu vào hoặc cao hơn so với giá vốn hàng nhập khẩu... đã có thể bị áp dụng biện pháp bình ổn. Các hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá được bổ sung: sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, than, sách giáo khoa, giấy in, giấy in báo, giấy viết...

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng thuộc diện trong thông tư 122 phải đăng ký giá. Trong trường hợp tăng giá, nếu thấy việc tăng giá là bất hợp lý, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu đăng ký lại hoặc thực hiện giá bán trước thời điểm tăng giá...

Theo quy định cũ, doanh nghiệp bán hàng thiết yếu, trong đó có sữa, chỉ bị bình ổn giá trong trường hợp tăng giá 20% trong 15 ngày liên tiếp.

C.V.KÌNH

Đặc biệt, dự thảo nghị định quy định sẽ phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu xây dựng các mức giá để đăng ký giá, kê khai giá không đúng với hướng dẫn tính giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

* Trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tin một số báo đưa năm vị đại sứ của Mỹ, Úc, Canada, Liên minh châu Âu, New Zealand có thư gửi bộ trưởng Bộ Tài chính về thông tư 122 về quản lý giá, coi đây là đi lệch hướng thị trường, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục phó Cục Quản lý giá - cho biết đó là bức thư cũ, đã được gửi từ ngày 23-6-2010.

Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã mời các cơ quan ngoại giao góp ý dự thảo thông tư, những góp ý đó đã được xem xét và sau khi Bộ Tài chính ban hành thông tư vào ngày 12-8-2010, các sứ quán chưa có ý kiến gì tiếp theo. Thông tư này cũng đã được xin ý kiến các bộ ngành, doanh nghiệp, nhân dân và phần lớn đồng tình, vì vậy không thể dừng, hoãn việc thực hiện.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng trong quá trình thi hành, nếu cơ quan, doanh nghiệp phát hiện có khiếm khuyết, Cục Quản lý giá sẵn sàng tiếp thu, nếu cần thiết sẽ kiến nghị Bộ Tài chính sửa nhưng phải hợp lý.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết trước khi ban hành, Bộ Tài chính đã rà soát, xem xét rất kỹ các điều khoản, đặc biệt từ điều 96-103 mà Việt Nam cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhận thấy không hề có mâu thuẫn, vi phạm.

Theo ông Tuấn, gần đây sát thời điểm thông tư có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã tăng giá sữa. Có doanh nghiệp giải thích do giá nguyên liệu thế giới tăng cao. Nhưng thực tế theo số liệu của Bộ Công thương, giá nguyên liệu lại có xu hướng giảm. Có doanh nghiệp nói lý do là tăng tỉ giá, tuy nhiên thực tế tỉ giá chỉ tăng khoảng 2% trong khi các hãng sữa tăng giá 7-8% là không hợp lý.

Về quan điểm của TS Matthias Duehn - giám đốc điều hành EuroCham tại VN - cho rằng kiểm soát giá có thể dẫn tới khan hiếm hàng hóa, tích trữ hàng hoặc chất lượng sản phẩm suy giảm, ông Tuấn cho rằng khó có khả năng này vì thông tư không can thiệp vào quyền định giá của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý chỉ có ý kiến khi doanh nghiệp tính toán chi phí không hợp lý, thực hiện giá không đúng với quy chế tính giá. Như đưa chi phí quảng cáo quá cao, vượt 10% doanh thu...

Về lo ngại cơ quan chức năng không thể xử lý khối lượng công việc đăng ký và đăng ký lại giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết hoàn toàn có thể. Vì việc tiếp nhận đăng ký, kê khai giá được phân cấp về cho 63 tỉnh thành. Từ ngày 1-10, doanh nghiệp trong diện phải đăng ký, kê khai giá, cơ quan chức năng chỉ hậu kiểm. Sau đó, chỉ doanh nghiệp nào thay đổi giá mới phải đăng ký lại chứ không phải đăng ký theo định kỳ.



Theo Tuổi trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường