Trại heo giống của anh Đỗ Văn Ngon, ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu Cảnh, Châu Phú, An Giang nuôi 53 con nái sinh sản và đã thực hiện tiêm ngừa bệnh. Khâu chăm sóc, ngăn ngừa lây lan dịch rất cẩn thận nên đàn heo vẫn an toàn.
Anh Ngon cho biết: Khâu vệ sinh chuồng trại hằng ngày rất kỹ, sử dụng bơm nén để làm sạch thức ăn thừa, phân và nước thải trong chuồng. Định kỳ ba ngày, phun thuốc sát trùng tiêu độc và “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để cách ly mầm bệnh lây lan từ bên ngoài. Nguồn thức ăn cho heo, anh chọn đại lý cung cấp an toàn nhất. Khách đến mua heo, chỉ xem qua hệ thống camera chứ không được vào trang trại. Ngoài đàn nái giống, trên 170 con heo con (cỡ 13- 14kg/con) và 30 con heo tơ (cỡ 30- 40kg/con) đang phát triển khỏe mạnh.
Tách biệt môi trường bên ngoài
Dịch heo tai xanh xuất hiện ở Việt Nam từ 2007. Sau bốn năm, có thể khẳng định hầu hết heo bị bệnh chết đều xuất phát từ hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.
Là người chăn nuôi có kinh nghiệm, anh Trần Quang Trung, chủ trại heo nái 300 con ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai sau nhiều năm chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh đã nghiệm ra rằng, heo ở các hộ nhỏ lẻ chết không phải vì virus tai xanh tấn công, mà chết do bệnh dịch tả hay lỡ mồm long móng. Những loại bệnh này thường xuất hiện trên đàn heo miễn dịch kém, sức đề kháng yếu, khi có thêm virus tai xanh tấn công, heo sẽ dễ bị chết. Từ những hiểu biết như vậy, anh Trung bảo vệ đàn heo bằng cách tiêm ngừa vaccin định kỳ, tăng cường miễn dịch bằng các giải pháp ở khẩu phần thức ăn và đặc biệt là cách ly trại heo với môi trường bên ngoài.
Một số chủ trại heo ở khu vực miền Đông cho biết họ tạo miễn dịch cho đàn heo bằng giải pháp tự trộn thức ăn. Anh Trần Quang Trung phân tích: mua nguyên liệu tự trộn thức ăn sẽ giúp kiểm soát độ đạm, heo ăn vào hấp thụ tốt hơn. Việc tự trộn còn giúp chủ trại đưa vào thêm vào khẩu phần thức ăn các chất miễn dịch.
Bằng kinh nghiệm chăn nuôi hơn 20 năm, ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo ở Hố Nai, Đồng Nai còn nêu lên kinh nghiệm: trại heo phải xây dựng ở nơi thoáng mát, cách ly xa khu dân cư. Ngoài tiêm vaccin định kỳ thì việc quản lý đầu vào (nhập thức ăn, thuốc, công nhân, vệ sinh) và đầu ra (quá trình xuất heo) chặt chẽ giúp tránh nguy cơ xâm nhập dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hóa, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định, sở dĩ dịch tai xanh lây lan nhanh ở địa phương này là do các đại lý thu thức ăn của những hộ có heo bị chết đem sang các hộ chưa bị dịch để bán.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Văn Hạc, giám đốc kinh doanh lĩnh vực thịt heo công ty C.P cho hay, sở dĩ hơn hai trăm trại heo của C.P không bị dịch tai xanh tấn công là vì được bảo vệ trong môi trường nuôi cách ly. Theo ông, toàn bộ đàn heo của C.P nuôi trong hệ thống chuồng kín, có hệ thống làm mát, cách ly ruồi, muỗi, chim... Các xe chở thức ăn hay người lạ vào thăm trại đều sát trùng kỹ...
Thống nhất quy trình nuôi trong từng khu vực cộng đồng
Trong điều kiện chưa có vaccin đặc trị, thì rõ ràng, ngành chăn nuôi heo phải sống chung với dịch tai xanh. Nhưng bằng cách nào? Chuyên gia chăn nuôi Trần Thông Thái, người có nhiều năm nghiên cứu virus tai xanh cho rằng, cần phải có giải pháp bảo vệ đàn heo theo từng vùng trong các cộng đồng dân cư. “Tôi cho rằng, chúng ta vẫn phải bắt đầu từ các trang trại lớn, vì đây là nơi bán ra đàn heo giống, hậu bị cho các hộ nuôi nhỏ lẻ”, ông Thái nói vậy. Ông cho rằng đàn heo bố mẹ của các trang trại cần bảo vệ thật tốt, qua đó mới tạo ra con giống sạch bệnh. Ngoài ra, các chủ trại phải có thêm trách nhiệm bảo vệ đàn heo trong khu vực của mình.
“Tôi nghĩ các trại có thể hỗ trợ kinh phí cho hộ dân trong cùng khu vực mua vaccin chủng ngừa. Vì hiện nay, chương trình phòng dịch quốc gia mới cấp vaccin miễn phí bệnh LMLM, còn dịch tả (2.000- 3.000 đồng/liều) thì người dân tự mua. Do đó, nếu đàn heo trong khu vực tiêm ngừa đầy đủ, an toàn dịch bệnh thì cũng góp phần giảm rủi ro cho các trang trại”, ông Thái nói thêm.
Một số chuyên gia chăn nuôi cũng khẳng định, xây dựng cộng đồng chăn nuôi cùng có ý thức, trách nhiệm là mô hình tốt để sống chung với dịch bệnh. Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên cục trưởng cục Chăn nuôi nói: "Không thể xóa sạch chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu đạt được sự thống nhất về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi trong môi trường chăn nuôi nhỏ lẻ, sẽ vẫn đảm bảo an toàn". Thống nhất ở đây, theo ông Vang, phải bắt nguồn từ con giống, thời gian thả đàn, phòng dịch thú y, quy trình chăm sóc, tính cách ly… của một nhóm hộ trong cùng một khu vực.