Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa ngoại tăng giá “chạy” thông tư
27 | 09 | 2010
Sau hàng loạt “làn sóng” tăng giá sữa ngoại khiến người tiêu dùng bất bình, Bộ Tài chính quyết định “giơ roi” bằng Thông tư 122, yêu cầu các hãng sữa cần phải niêm yết giá sữa. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2010. Chưa đến thời điểm, “roi” giơ lên, giá sữa đã tăng vèo vèo.

DN sữa tăng giá tùy thích

Tại Việt Nam, sữa ngoại vốn được sếp vào mặt hàng “vô tổ chức”, không chịu điều tiết của thị trường. Các nhà nhập khẩu sữa thường tăng giá “tùy thích”, chẳng căn cứ vào bất cứ quy luật nào. Năm 2008, sữa trở thành mặt hàng tăng giá mạnh nhất, tăng vô tội vạ, bất chấp sự phản đối dữ dội của người dân và các phương tiện truyền thông. Doanh nghiệp sữa có vẻ cũng “nghênh ngang” khi không chịu bất cứ sự quản lý giá nào của Chính quyền. Việt Nam trở thành nước có giá sữa cao nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc: khẩu phần ăn của trẻ bị cắt bớt.

Lúc đó, thay vì tìm hiểu nội vụ của các hãng sữa để hiểu lý do giá sữa cao đột biến, Bộ Tài chính “thông cảm” với các hãng sữa bằng việc hạ thuế và dành các ưu đãi nhập khẩu sữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá. Tuy nhiên, giá sữa vẫn không vì thế mà hạ.

Bộ Tài chính lần đầu tiên làm một hành động quyết liệt: tiến hành thanh tra giá thành của sản phẩm sữa nhập khẩu. Kết quả thanh tra sữa cuối năm 2008 và đầu năm 2009 đã chỉ rõ những bất hợp lý trong giá sữa và đặt ra nhiều câu hỏi về lợi nhuận “ngoài sức tưởng tượng” của các DN nhập khẩu sữa. Thị phần sữa ngoại chiếm 72% trên thị trường. Các nhà phân phối lấy giá nhập khẩu cộng thêm 40-45% lãi gộp, sau đó mặc đại lý tự ý nâng giá mà công ty không hề hạn chế “giá trần”. Phần tăng giá này được các DN lý giải cho các chi phí bán hàng như hoa hồng, quảng cáo, khuyến mại. Có DN đã đưa ra mức chi phí bán hàng bằng 50-70% giá sữa (!). Giá thế giới giảm, thuế ổn định và được ưu đãi nhưng giá sữa bán trên thị trường không hề giảm, tiếp tục tăng. Giá sữa Việt Nam cao hơn 220% giá sữa cùng loại bán ở các nước láng giếng như Thái Lan, Indonexia – một điều khó có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, theo Luật của Việt Nam, quy định sử dụng tối đa 10% doanh thu dành cho quảng cáo chỉ áp dụng đối với DN trong nước. Vì thế, chẳng có cách nào xử lý được các DN nước ngoài. Chúng ta cũng không yêu cầu kê khai đăng ký giá bán nên các DN thường lợi dụng để tăng giá vô tội vạ.

Bộ Tài chính ra tay

Trên kết quả thanh tra giá sữa, Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính đã trình một dự thảo thông tư về áp dụng giá trần đối với sữa. Phương án này đã bị bác bỏ ngày từ  dự thảo lần 1 vì bất khả thi bởi trên thị trường có  hàng ngàn mặt hàng sữa trong khi việc kiểm soát giá nhập khẩu là rất khó. Hơn nữa, sữa không phải là mặt hàng có thể can thiệp giá trực tiếp, làm như thế có thể vi phạm các quy định.

Lần này, Bộ Tài chính cho ra đời thông tư 122 dựa trên nhiều nghiên cứu thực tế toàn bộ quy trình sản xuất và kinh doanh sữa với mục đích tìm ra phương án khả thi nhất cho bài toán giá sữa. Phương án mới yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa phải đăng ký giá bán. Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký giá bán trong đó thuyết minh mức giá (ví dụ cơ cấu tính giá có thể dựa theo các yếu tố hình thành giá như giá nhập khẩu CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá vốn nhập khẩu, lợi nhuận dự kiến, mức giá dự kiến...). Chỉ khi cơ quan Nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp mới được đưa sữa vào thị trường. Thông tư 122 có hiệu lực từ 1/10/2010.

Thông tư vừa được ban hành thì ngay lập tức, các hãng sữa tranh thủ tăng giá trước giờ G. Chỉ trong vòng 10 ngày sau khi thông tư được công bố, đã có thêm 2 hãng sữa gửi thông báo sẽ tăng giá. Giá mới của sữa bột Meizi số 1 tăng lên 362.000 đồng/hộp, số 2 tăng lên 344.300 đồng/hộp (loại 900 g). Sữa bột nhãn hiệu Milax của Đan Mạch loại 900g cũng tăng lên 356.000 đồng/hộp. Trước đó, nhiều hãng sữa như Vinamilk, Abbott, Friso... đã đồng loạt tăng giá bán từ 7%-10%. Sữa bột Friso các loại có mức giá tăng trên 20.000đồng/hộp loại 900g/hộp (Friso Gold số 1 lên 357.300 đồng/hộp, Friso Gold số 2 lên 382.600 đồng/hộp). Sữa Abbott số 1 và 2 từ 355.000 đồng - 360.000 đồng/hộp. Các loại sữa bột, sữa tươi, sữa đặc của Vinamilk đều tăng giá. Sữa bột Dielac Alpha (loại 900g) giá mới từ 147.400đồng-150.500 đồng/hộp. Ngày 21/9, Hãng Nestlé đã gửi thông báo đến các đại lý, yêu cầu từ ngày 16/9, tăng thêm 9% đối với các dòng sữa bột Nestlé gấu và Lactogen, như vậy trung bình mỗi hộp sữa đắt thêm 6.000-10.000 đồng.

“Hiện nay chỉ nhãn hàng MeadJohnson không tăng giá và làm theo cam kết rằng sẽ không tăng giá từ nay đến hết năm, còn không ít thì nhiều, hầu hết các nhãn hàng khác đều tăng giá trong thời gian gần đây” - ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết.

Có lẽ đã đến lúc Bộ Tài Chính cần sử dụng những biện pháp quyết liệt để lập lại trật tự giá sữa.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường