Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Định danh cho chè Ba Vì
13 | 10 | 2010
Nhắc đến vùng đất Ba Vì, người ta nghĩ ngay đến những đồi chè xanh ngút ngàn, đẹp như huyền thoại. Những ngày tháng 10 này, Ba Vì vui hơn, rộn ràng hơn khi nhãn hiệu "Chè Ba Vì" được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp quyết định chứng nhận. Đây thực sự là nguồn động lực để Ba Vì vững bước trong lộ trình hội nhập và phát triển.
Niềm vui với người trồng chè
 

Nông dân Ba Vì thu hái chè.     Ảnh: Quỳnh Dung

Với lợi thế đất đai, khí hậu thuận lợi để cây chè phát triển, nhiều năm nay huyện Ba Vì đã tập trung quy hoạch, khai thác nguồn đất đai, thổ nhưỡng ở các xã miền núi như Ba Trại, Tản Lĩnh... để phát triển vùng trồng chè và kêu gọi các doanh nghiệp (DN) vào đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chè xuất khẩu nên đã từng bước đưa cây chè trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của huyện.

Là "thủ phủ" chè của huyện, xã Ba Trại hiện có khoảng 80% số hộ dân sản xuất chế biến chè búp khô với diện tích gần 500ha, chiếm 1/3 diện tích cây chè toàn huyện. Cùng với sự thay đổi lớn ở khâu chế biến (từ thủ công sang chế biến bằng máy móc công nghiệp), với sự tiếp sức của cấp ủy Đảng và chính quyền huyện cùng các ngành chức năng, các DN sản xuất, chế biến chè xuất khẩu ở Ba Trại cùng người trồng chè đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nên cây chè đã phát triển mạnh. Hiện toàn huyện Ba Vì đã hình thành một vùng sản xuất chè tại các xã miền núi và đồi gò. Đến nay, diện tích chè toàn huyện gần 1.800ha, năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha, tổng sản lượng chè búp tươi đạt 12.631 tấn. Đặc biệt, một số diện tích thâm canh tốt đạt 15-16 tấn chè búp tươi/ha. Toàn huyện có khoảng 1.700 máy sao chè, 645 máy vò chè, sản lượng chè búp khô tự chế biến đạt 780 tấn, ngoài ra còn có 9 làng nghề, 6 nhà máy thu mua và chế biến chè công nghiệp. Sản lượng chè búp khô chế biến đã đạt khoảng 2.174 tấn. Sản lượng chè xuất khẩu ra nước ngoài chiếm khoảng 50-60%, chủ yếu là các nước: Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông... với các sản phẩm chè xanh và chè đen.

Ông Nguyễn Đình Dần, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, một số DN trên địa bàn đã xây dựng được vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất (NMSX) chè có quy mô lớn như Công ty CP Thái Hà, Công ty TNHH Chè Đại Hưng... đặc biệt là Công ty CP Việt Mông đã xây dựng được vùng nguyên liệu hàng nghìn hécta, nhận bao tiêu chè tươi cho nông dân và lắp đặt NMSX chè đen CTC, chè mạn với công suất chế biến trên 40 tấn chè/ngày. Dự tính, công ty sẽ nâng diện tích chè lên thêm 500ha, bổ sung thêm 2 dây chuyền sản xuất các loại chè đóng chai và chè túi lọc với tổng công suất 70 tấn/ngày.

Thương hiệu - động lực để phát triển

Việc xây dựng thành công thương hiệu chè Ba Vì cũng như sự kiện nhãn hiệu chè Ba Vì được công bố rộng rãi, không chỉ là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì mà còn là một sự kiện có ý nghĩa chào mừng Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chia sẻ: Cây chè là cây chủ lực phát triển kinh tế vườn, đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho các hộ nông dân trong vùng. Việc xây dựng thành công thương hiệu "chè Ba Vì" là cơ hội để huyện Ba Vì đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu và tăng thu nhập cho người trồng chè trên địa bàn. Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là phát huy những giá trị tiềm năng thiên nhiên ban tặng và nguồn đất đai rộng lớn, tạo động lực để Ba Vì không chỉ là thủ phủ du lịch, nghỉ dưỡng mà còn là thủ phủ của cây chè và nguồn nguyên liệu sữa tươi dồi dào.


Theo hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường