Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gỡ khó cho rau hữu cơ
14 | 10 | 2010
Được đưa vào triển khai tại Hà Nội từ năm 2008 đến nay, sản xuất rau hữu cơ đã đem lại kết quả khả quan. Tuy giá bán rau hữu cơ cao hơn rau thường, đầu ra cho sản phẩm này cũng tương đối ổn định, nhưng nếu không có những giải pháp kịp thời trong việc nâng cao nhận thức cho người nông dân cũng như vấn đề dồn điền đổi thửa thì e rằng, mô hình rau hữu cơ có nguy cơ... đứt gánh giữa đường.

Hiệu quả kinh tế cao

Mô hình nông nghiệp hữu cơ được triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 theo chương trình hợp tác của Hội Nông dân Việt Nam và Dự án phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA). Đến nay cả nước có 9 tỉnh tham gia dự án với nhiều mô hình đa dạng như: trồng rau hữu cơ, cam hữu cơ, nuôi cá hữu cơ… Năm 2008, Hà Nội triển khai mô hình rau hữu cơ tại 3 xã Thanh Xuân, Đông Xuân và Xuân Giang của huyện Sóc Sơn. Đến nay, chỉ riêng xã Thanh Xuân đã có 8 nhóm sản xuất (tương đương 65 thành viên) với diện tích 4,3ha.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân cho biết: Thanh Xuân có trên 90% số hộ dân làm nông nghiệp. Mô hình trồng rau hữu cơ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, mỗi tháng toàn xã cung cấp từ 18 - 20 tấn rau củ quả hữu cơ cho địa bàn Hà Nội. Sau khi sơ chế, đóng gói, giá bán bình quân 10.000 - 15.000 đồng/kg (so với rau thường là 7.000 - 8.000 đồng/kg). Thu nhập bình quân của các thành viên đạt 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng nhóm rau hữu cơ thôn Đồng Giành, xã Đông Xuân cho biết: Nhóm có 11 thành viên với diện tích 7.200m². Từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, chúng tôi được Công ty ACIMCO (Trung Hòa) thu mua theo hợp đồng dài hạn nên yên tâm về đầu ra. Không chỉ thế, sản xuất rau hữu cơ còn an toàn đối với người nông dân và người tiêu dùng vì không sử dụng bất kỳ một hóa chất nào.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Chị Nguyễn Thị Nhung, Trưởng nhóm rau hữu cơ Bái Thượng 1, xã Thanh Xuân chia sẻ: Sản xuất rau hữu cơ phải tập trung để lên kế hoạch phân bổ cho từng thành viên, tiện chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ và đảm bảo che chắn để không bị ảnh hưởng từ thuốc hóa học ở khu ruộng khác. Tuy nhiên việc mở rộng diện tích lại gặp khó khăn do xã chưa dồn điền đổi thửa... Ngoài ra, trình độ tiếp thị, ngoại ngữ của nông dân còn hạn chế nên chưa tiếp xúc được các đối tác nước ngoài tại Việt Nam - nơi có nhu cầu tiêu thụ rau hữu cơ lớn. Do đó, theo chị Nhung, địa phương cần tạo cơ chế chuyển đổi ruộng đất cho người dân và mở các lớp tập huấn kỹ năng tiếp thị sản phẩm cho nông dân.

Ông Trần Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Xuân cho biết: Hiện nay, do chưa xây dựng được thương hiệu nên số cơ quan, đơn vị biết đến sản phẩm rau hữu cơ còn hạn chế. Nếu mở rộng mà chưa có đầu ra thì nguy cơ không tiêu thụ hết sản phẩm. Một khó khăn nữa là thay đổi tập quán sản xuất. Bởi làm rau hữu cơ, mỗi nhà phải gieo nhiều loại rau trên một diện tích nhỏ thì thu hoạch mới đảm bảo chất lượng, đa dạng chủng loại nhưng nhiều người chưa quen với cách làm này mà gieo ồ ạt một vài loại rau dẫn đến không tiêu thụ hết. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến nông về sản xuất rau hữu cơ cho người nông dân. Đồng thời, hỗ trợ các nhóm sản xuất xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Việc mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần cải thiện môi trường. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để mô hình được phát triển rộng. Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam đang xúc tiến thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để thúc đẩy loại hình sản xuất an toàn này.



Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường