Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người tiêu dùng VN ’sốt’ vì TV phẳng cao cấp
13 | 06 | 2007
"Dịp cuối năm nay, số tivi LCD chúng tôi bán được cao gấp 10 cùng thời điểm năm 2005", cửa hàng trưởng quầy Samsung tại Trung tâm Nano (Hà Nội) cho biết. Khách chỉ cần bỏ ra 21 triệu là mua được chiếc Bordeaux 32 inch sang trọng vào đợt khuyến mại, so với giá 40 triệu năm ngoái.
TV màn phẳng cao cấp đang có sức hút mạnh.

Ảnh: Hoàng Hà.

Người dân "sành điệu" hơn

"Hồi còn là sinh viên Ngoại thương, tôi đi qua sảnh của Trung tâm hợp tác Việt - Nhật VJCC thấy cái TV 'dán' trên tường mà thèm", anh Phan Thắng, Giám đốc một công ty vận tải tại Hà Nội, bày tỏ. "Từ đó, tôi quyết tâm ra trường phải kiếm thật nhiều tiền để mua các thiết bị số cao cấp trưng bày trong phòng khách".

Anh Thắng mua liền 2 chiếc LCD 37 inch của LG, một cho nhà riêng, một cho gia đình vợ. "Các cụ bây giờ xem diễn chèo thích lắm vì hình ảnh to, rõ ràng", anh cho biết. Hiện trong văn phòng công ty riêng của vị giám đốc 28 tuổi này cũng có một chiếc Bravia 40 inch trên tường, bên những giò phong lan rừng hoang dã. Thắng tiết lộ đây là một bí quyết nhỏ trong kinh doanh vì khách hàng đến công ty thấy văn phòng đẹp thì sẽ có tâm lý tốt khi làm việc.

Anh Hoàng Văn Trung, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty kiến trúc, cũng vừa sắm 2 chiếc LCD Samsung Sonoma 32 inch cho cả nhà đón Tết. "Xem bóng đá ở TV này mới thích. Trước đây tôi hay rủ bà xã ra quán xem nhưng từ giờ sẽ khác", anh Trung tâm sự. "Trời lạnh ngồi trong nhà ấm cúng bên cạnh vợ, nhâm nhi tách cà phê và xem thể thao thì không còn gì bằng".

Khách "nhí" chơi game trên TV siêu phẳng. Ảnh: Hoàng Hà.

Bố con anh Bùi Đình Quang tại phường Ô Chợ Dừa (HN) lại có một thú vui khác trên chiếc LCD mỏng. "Chơi game ở TV này sướng hơn trên máy tính vì bố con cháu có thể cùng nhau đua ôtô, đánh quái vật, thám hiểm vũ trụ", bé Nhật Quang 7 tuổi hí hửng khoe. "Màn hình rộng và đẹp hơn khiến cháu rất thích", anh Quang nói. "Tôi tậu thêm cả chiếc PS2 có 2 tay cầm rung cảm ứng cho cháu chơi vào những lúc rỗi và có người lớn bên cạnh".

Anh Quang bỏ đĩa game Need for Speed vào máy PS2 rồi bật TV lên. "Cái thú khi chơi đồ công nghệ này là phải sắm cho đủ bộ", anh bày tỏ. "TV LCD hay plasma mà không có bộ loa 5.1 hay 7.1 thì cũng chỉ sướng được một nửa". Khi màn hình trò chơi hiện ra, hai bố con lao vào đua trên những chiếc xe thể thao bóng lộn. Sự kết hợp giữa hình ảnh choáng ngợp trên màn 46 inch và tiếng rú ga xé gió, tiếng va chạm rủng roẻng phát ra từ bộ loa vòm khiến người chơi nhiều phen hoảng hồn nhưng thực sự phấn khích.

TV thương hiệu nước ngoài ồ ạt giảm giá và khuyến mãi, doanh nghiệp điện tử trong nước lao đao

Trong mùa mua sắm cho lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay, nhiều cửa hàng bán TV LCD và plasma đã đón lượng khách hàng tăng vọt so với năm trước. Anh Nguyễn Hải Nam, Trung tâm thương mại Nano (phố Tây Sơn, Hà Nội), cho biết nguyên nhân tăng trưởng là do giá cả của mặt hàng này đã giảm đến mức hợp với túi tiền của người tiêu dùng và thuế suất giảm khi Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế AFTA từ giữa năm.

"Loại TV LCD 32 inch được khách hàng mua nhiều nhất", anh Nam cho biết. "Nếu năm ngoái sản phẩm cỡ này có giá hơn 40 triệu thì năm nay chỉ vào khoảng hơn 20 triệu. Ngoài ra, chương trình khuyến mại của các hãng cũng hấp dẫn khách hàng hơn. Người tiêu dùng trong nước có vẻ chuộng TV LCD hơn plasma".

Ở Hà Nội, các tuyến phố có nhiều cửa hàng bán sản phẩm điện tử như Hai Bà Trưng, Giảng Võ... hay những siêu thị lớn có quầy TV màn phẳng cao cấp đang nhộn nhịp khách tham quan và mua sắm. Trên thực tế, nhiều đại lý đã triển khai chương trình khuyến mãi từ giữa năm, khi lộ trình giảm thuế AFTA đến mức 5,2% cho các mặt hàng điện tử có hiệu lực (trước đó từ hơn 5%-20%). Trung tâm điện máy Việt Long (đường Giảng Võ, Hà Nội) từ mùa hè đã áp dụng chương trình tặng quà tương đương 1/4 - 1/3 giá trị sản phẩm cho khách. Ví dụ, nếu mua TV LCD khoảng 40 triệu, khách sẽ nhận được phiếu mua hàng hơn chục triệu. Áp lực giải quyết hàng tồn cuối năm để chiết khấu của nhà phân phối càng nặng nề hơn vì người dân có tâm lý chờ giá sản phẩm nhập nguyên chiếc hạ khi vào WTO.

Tuy nhiên, nếu so sánh mức thuế đánh vào hàng TV nhập nguyên chiếc trong cộng đồng AFTA và WTO thì hiện nay, thuế AFTA là 5,2%, trong khi thuế WTO là 40%. Ví dụ, một chiếc TV giá 30 triệu nhập từ Thái Lan về Việt Nam sẽ có giá gần 32 triệu nhưng nhập từ quốc gia bất kỳ trong WTO phải chịu giá 42 triệu.

Theo ông Cao Xuân Hải, đại diện kinh doanh của tập đoàn LG, hai khái niệm giảm thuế nhiều và giảm giá là hoàn toàn khác nhau. "Thị trường điện tử điện lạnh trong nước nói chung đã mở cửa và đứng vững từ khá lâu rồi, cụ thể hơn là từ khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do ASEAN", ông Hải nói. "Bằng chứng chính là các hãng điện tử danh tiếng thế giới như LG, Sony, Panasonic, Samsung, Toshiba… đã có mặt trên thị trường VN và hiện vẫn tiếp tục cạnh tranh bình đẳng. Chúng ta đã hội nhập chứ đâu cần đợi đến WTO".

"Nếu xét khả năng giảm giá từ nay đến Tết âm lịch thì hầu như không có", anh Nguyễn Hải Nam, Trung tâm Nano, nhận xét. "Mức giá như hiện nay đã xuống đến giới hạn chịu đựng của nhà sản xuất".

Tuy nhiên, các đợt giảm giá khuyến mãi từ 25%-50% vừa qua của những thương hiệu nước ngoài đã khiến doanh nghiệp điện tử chế tạo và lắp ráp mặt hàng này điêu đứng. Tại Hà Nội, các trung tâm thương mại như Nano giảm 30-35% giá TV LCD trong đợt khuyến mãi từ 9/11-19/11; Home Center giảm 40-50% giá hồi cuối tháng 11; Carings triển khai chương trình mua một màn hình Toshiba plasma 26 inch được tặng dàn nghe nhạc Pioneer SVGX3... Trên địa bàn TP HCM, Trung tâm điện máy Sài Gòn - Nguyễn Kim, Trung tâm điện máy Thiên Hòa, Chợ Lớn, Ideas... đều giảm tới 50% giá trị mặt hàng TV màn phẳng cao cấp vào đợt khuyến mãi ngắn ngủi vừa qua. Dòng người tấp nập kéo đến những nơi đó để mua hàng, để lại cảnh đìu hiu ở các doanh nghiệp điện tử trong nước như Viettronic Tân Bình, Biên Hoà, Thủ Đức... khiến nhiều người liên tưởng đến động thái bán phá giá.

Trao đổi với VnExpress, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại), cho biết: "Nếu TV LCD và plasma của các liên doanh điện tử Việt Nam là sản phẩm nhập nguyên chiếc, quy trình xác định mặt hàng đó phá giá khá phức tạp. Các chuyên gia phải so sánh giá sản phẩm của hãng đó bán tại Việt Nam với giá của mặt hàng tương ứng bán trên đất nước họ và những nơi khác trên thế giới trong cùng một khoảng thời gian. Nếu sự giảm giá này được chứng minh là không đồng bộ, vượt quá ngưỡng cho phép, Cục sẽ sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ kiện".

Giá TV LCD và plasma hạ nhanh trên toàn thế giới, các tên tuổi lớn như ngồi trên chảo lửa

Tốc độ giảm giá TV màn phẳng cao cấp trên những thị trường lớn của thế giới nhanh hơn mong đợi của các hãng sản xuất. Theo hãng phân tích thị trường GfK, tại Tây Âu, mặt hàng này giảm trung bình so với năm trước là 33%, chưa tính đến các chính sách khuyến mại. Ví dụ, sản phẩm Sony giảm 25-30%, hơn 5%-7% so với dự kiến. "Điều này thuận lợi cho người tiêu dùng nhưng khiến cho nhà sản xuất lao đao vì họ sẽ thiếu nguồn tài chính để đầu tư tiếp cho tương lai", Stan Glasgow, Chủ tịch của Sony Electronics, bày tỏ. Còn các nhà nghiên cứu thị trường cũng tỏ ra bất ngờ trước sự sụt giảm này. "Giá giảm khá mạnh", Steve Baker, chuyên gia phân tích tại NPD Techworld, nhận xét. "Điều gây ngạc nhiên nhất là những tên tuổi càng lớn thì càng chịu sức ép giảm giá nhiều hơn".

Người tiêu dùng bao giờ cũng muốn mua TV lớn hơn, đẹp hơn nhưng với giá tiền thấp hơn. Đó chính là một lý do cần giảm giá. Tuy nhiên, khi một thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính như thế có tới 90 nhà sản xuất khổng lồ, muốn tồn tại, họ không còn cách nào khác là đánh bóng thương hiệu bằng việc tiếp cận gần gũi hơn với công chúng thông qua các chương trình quảng bá, thể hiện khả năng chiều khách bằng việc mang tới cho họ thiết bị hấp dẫn với giá rẻ.



Theo vnexpress
Báo cáo phân tích thị trường