Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tôm: Khó khăn chồng khó khăn
18 | 11 | 2010
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) vừa có công văn thông báo về việc Nhật Bản ra cảnh báo kiểm tra 100% mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu vào nước Nhật Bản.

Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho hàng Việt Nam và tạo hình ảnh không đẹp trong mắt các nhà nhập khẩu khi kế hoạch nhập năm 2011 đang được đề ra, song không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động vượt qua được thách thức này.

Cảnh báo trên của Nhật được đưa ra sau khi phát hiện thêm 3 lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu vào Nhật Bản vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này. 3 lô hàng trên thuộc về 3 doanh nghiệp xuất khẩu khác nhau của Việt Nam, trong đó 2 lô hàng có hàm lượng chất Trifluralin lần lượt là 0,006ppm và 0,009ppm, cao hơn so với mức cho phép của Nhật Bản (0,001ppm); 1 lô hàng có 0,0006ppm hàm lượng chất Chloramphenicol, là chất không được phép xuất hiện trong thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản. Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam... có biện pháp đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp đã vi phạm và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản.

Tại cuộc họp mới đây với các doanh nghiệp Việt Nam, nhiều bạn hàng Nhật Bản bày tỏ sự e ngại khi mua hàng… Việc kiểm tra 100% lô hàng của cơ quan chức năng sẽ khiến tỷ lệ rủi ro rất cao. Trường hợp không may xảy ra, một container bị phát hiện dư lượng Trifluralin, nhà nhập khẩu sẽ phải chịu thiệt hại từ 5.000 - 10.000 USD hoặc hơn nữa.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề dư lượng chất kháng sinh trở nên nóng bỏng với ngành thủy sản. Điều đáng nói là trước khi Nhật Bản nâng mức cảnh báo lên 100%, biện pháp đối phó mạnh tay đã không được thực hiện. Việc mua bán, sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Trifluralin trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng phức tạp. Trước đây, quá lo lắng về việc vẫn còn nhiều lô thuốc trong thành phần có chứa Trifluralin đang lưu hành tại Sóc Trăng, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, thu hồi thuốc trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình không khả quan hơn.

"Đến thời điểm này, doanh nghiệp chỉ biết ngồi cầu trời cho qua", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) chia sẻ.

Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) nên áp dụng chế độ kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng Trifluralin đối với 100% lô hàng tôm của DN trước khi xuất sang Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này có giải quyết được gốc của vấn đề và làm tăng chi phí của doanh nghiệp hay không lại là bài toán cơ quan quản lý phải cân nhắc? Trong tình cảnh này, các nhà máy phải tự "cứu" mình bằng cách tự kiểm và kiểm soát theo phương pháp kiểm tra dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Nitrofuran (AOZ, AMOZ...) trước khi có các biện pháp ứng phó từ phía Nhà nước.

"Khó khăn ở chỗ, đầu tư phương tiện tự kiểm định khá tốn kém và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được", ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Minh Phú cho hay.

Khó khăn của ngành tôm Việt Nam càng nhân lên khi nguồn nguyên liệu không chủ động được. Hiện các nhà máy vẫn trong cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng và phải tranh mua tôm với giá cao và khó có khả năng phát hiện, kiểm tra kỹ. Có doanh nghiệp đã nêu ra một thực tế là tại sao phần lớn các sản phẩm thuốc bán trên thị trường trong thành phần có chứa Trifluralin đều có nguồn gốc từ Thái Lan? Trong khi đó, kể từ khi Nhật Bản cảnh báo lô tôm Việt Nam có chứa dư lượng Trifluralin cho đến nay, chưa có một công ty xuất khẩu tôm nào của Thái Lan bị phát hiện có chứa hoạt chất này? Giám đốc một công ty thủy sản than thở, công ty ông đang phải tỏa đi nhiều tỉnh để có thể mua được tôm sản xuất, chế biến, mua được đã khó, nói gì đến việc kiểm duyệt, quy định cấm người nuôi sử dụng thuốc có chứa Trifluralin trong nuôi tôm?

Trước thềm vụ mùa mới, các doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có văn bản cấm hoàn toàn các sản phẩm có chứa Trifluralin cho vụ nuôi năm sau và tìm các chế phẩm, hóa chất an toàn thay thế cho người nuôi thủy sản. “Diện tích vụ nuôi tiếp theo tại ĐBSCL khá lớn, do đó phải có giải pháp triệt để ngay từ vụ này, tránh tình cảnh nước đến chân không nhảy được”, vị giám đốc CTCP trên mong mỏi.



Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Báo cáo phân tích thị trường